MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn Sabeco thành công - "cú hích" cho các cổ phiếu trong danh sách chờ thoái vốn?

Từ sự thành công của Vinamilk và Sabeco, nhà đầu tư kỳ vọng đó sẽ là tiền đề để tiếp tục kỳ vọng vào kết quả của các thương vụ tiếp theo.

Thị trường chứng khoán ngày 18/12/2017 bùng nổ với mức tăng 23 điểm của VN-Index, và tâm điểm thuộc về cuộc đấu giá cạnh tranh bán thành công 344 triệu cổ phiếu tương đương 53,59% vốn cổ phần của Sabeco. Với mức giá bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, Bộ Công thương sẽ thu về 4,8 tỷ USD.

Cú hích cho thị trường

SAB đã trở thành cú hích cho thị trường và câu chuyện thoái vốn nhà nước tiếp tục trở thành điểm tựa. Ngay trong phiên giao dịch hôm qua, dù thông tin của cuộc đấu giá không ảnh hưởng nhiều đến giá SAB nhưng lại ảnh hưởng khá mạnh đến Vinamilk (VNM) bởi nhà đầu tư so sánh và cho rằng mức giá thoái vốn của SCIC tại VNM trước đây là rẻ hơn rất nhiều. VNM tăng 4,1% lên 205.000 đồng.

Một bluechip khác cũng chịu ảnh hưởng tích cực từ câu chuyện thoái vốn là GAS. Với thông báo kết quả kinh doanh ước tính sơ bộ khá khả quan cùng kế hoạch thoái vốn của PVN từ 98% xuống 65%, cổ phiếu này tăng tới 6,3% lên 92.500 đồng.

Trong khi đó, các cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của SCIC đã từng tạo sóng trên thị trường như DMC, BMP, NTPFPT lại khá “nguội”, có lẽ nhà đầu tư cần thời gian chờ đợi khi SCIC lùi các kế hoạch thoái vốn và chưa có ngày hẹn lại. Ngoại trừ DMC tăng 3,8% lên 123.500 đồng thì các cổ phiếu khác đều giảm. BMP giảm 0,6%, NTP tăng 0,3% và FPT giảm 0,4%.

Chờ đợi các thương vụ thoái vốn năm sau

Trong năm 2018, một số thương vụ thoái vốn cổ phiếu trên sàn đang được nhiều người quan tâm.

Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX), Bộ Công thương có kế hoạch bán 24,9% vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 78,6% xuống còn 53,7%. Bộ này cũng có kế hoạch bán hết 53,5% vốn tại Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) và bán 57,9% vốn tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel, TVN). Ngoại trừ Petrolimex thì mặc dù giữ vị thế lớn trong ngành nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp này khi lên sàn chứng khoán chủ yếu ở trong tình trạng không có thanh khoản và do không thu hút dòng tiền, diễn biến giá cổ phiếu không có gì đáng chú ý. Câu chuyện thoái vốn được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho nhóm cổ phiếu này.

Nổi bật nhất về diễn biến giá cổ phiếu trong nhóm thoái vốn của Bộ Công thương phải nói đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV). Cổ phiếu ACV đã tăng bền bỉ từ giá 50.000 đồng lên 90.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Bộ Công thương có kế hoạch bán 20% vốn của ACV trong năm 2018, ngoài ra doanh nghiệp còn có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE.

Một trong những cổ phiếu “hot” nằm trong danh mục thoái vốn của Bộ Xây dựng là Viglacera (VGC). Bộ có kế hoạch bán 20,6% vốn tại đây. Trước khi Bộ xây dựng thoái vốn thì VinaCapital cũng đã bán cổ phần và không còn là cổ đông lớn của Viglacera, nhưng thay vào đó là sự xuất hiện của DragonCapital khi chi 1.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu VGC trong phiên đấu giá vào cuối tháng 5/2017.

Có thể thấy sau các thương vụ bán cổ phiếu tại Vinamilk và Sabeco thì điều quan trọng đảm bảo cho sự thành công là thủ tục đấu giá cũng như yếu tố quan trọng nhất là giá chào bán, cần tối ưu hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của VNM và SAB, CTCK VCBS cho rằng, đây được xem là tiền đề để tiếp tục kỳ vọng kết quả tích cực tại các thương vụ thoái vốn tiếp theo.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên