MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoát khoản nợ 100.000 USD và trở thành CEO công ty tài chính triệu đô, chàng trai tiết lộ 3 yếu tố quan trọng hơn cả bằng cấp

10-08-2018 - 08:37 AM | Sống

Từ một sinh viên mang khoản nợ hơn 100.000 USD, Andy Josuweit đã trở thành giám đốc điều hành công ty tư vấn kế hoạch tài chính sau 2 năm ra trường. Anh cho rằng làm CEO không cần phải có bằng cấp cao mà thành công nhờ vào sự chăm chỉ, kiên nhẫn và nỗ lực.

Sau thương vụ nhượng lại công ty tư vấn kế hoạch tài chính Student Loan Hero cho Lending Tree với giá 60 triệu USD nhưng vẫn nắm quyền điều hành, CEO Andy Josuweit trở thành triệu phú, doanh nhân được chú ý trong giới tài chính. CEO Andy Josuweit đã đưa ý tưởng khởi nghiệp thành công dù trình độ học vấn không cao và không có nhiều kinh nghiệm trong thế giới doanh nghiệp.

Tất nhiên, những ngày đầu khởi nghiệp, Andy Josuweit đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Anh cần có vốn để phát triển ý tưởng trong khi vẫn phải hoàn trả số tiền nợ sinh viên hơn 100.000 USD. Ngày đó, Andy luôn xác định bản thân phải chăm chỉ, kiên nhẫn và nỗ lực hơn người khác nhiều lần. Đó cũng là 3 nhân tố mà Andy tin sẽ giúp anh thành công trên con đường đã chọn.

Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, CEO Andy Josuweit thẳng thắn chia sẻ về cách anh vượt qua sự thiếu kinh nghiệm: "Khi còn học ở trường, tôi không bao giờ nghĩ mình là người thông minh nhất. Thành thật mà nói, thành tích học tập của tôi không tốt. Nhưng bù lại, tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ và nỗ lực mỗi ngày. Đó cũng là những điều quan trọng nhất để trở thành một doanh nhân thành công".

Josuweit thành lập Student Loan Hero vào năm 2012. Nhận thấy có hàng triệu sinh viên phải phụ thuộc vào các khoản vay vốn, anh và cộng sự đã mất một tuần để thuyết phục các cố vấn của tổ chức ươm mầm khởi nghiệp Startup Chile đầu tư cho ý tưởng của mình, phát triển website tư vấn tài chính cá nhân cho sinh viên.

Dưới áp lực to lớn phải thành công để không phụ lòng cha mẹ, Andy Josuweit quyết tâm lên kế hoạch tài chính và tiết kiệm cho chính bản thân mình. Mỗi ngày, Andy Josuweit làm việc 14 giờ. Thay vì bỏ tiền mua một chiếc xe hơi thuận tiện hơn cho công việc, Andy Josuweit quyết định đi xe đạp. Thậm chí, anh còn chuyển nhà từ New York đến Austin, Texas để tiết kiệm thêm tiền thuế và chi phí sinh hoạt khác.

Nhờ sự kiên trì, Andy Josuweit đã nhanh chóng hoàn trả được số tiền vay vốn sinh viên. "Tôi đã đối xử với khoản nợ của mình giống như tham gia vào một cuộc chạy đua nước rút, nghĩa là tôi buộc phải hoàn thành càng nhanh càng tốt". Andy Josuweit cũng cho biết Student Loan Hero đã giúp xóa sạch 1 tỷ USD về vay vốn sinh viên. Ngoài điều hành công ty, Andy Josuweit còn tham gia giảng dạy về giáo dục tài chính trên website cho những sinh viên có nhu cầu.

Andy Josuweit chỉ học hết đại học, không tiếp tục học lên thạc sĩ quản trị kinh doanh như nhiều CEO khác. Theo quan điểm của vị giám đốc điều hành trẻ tuổi, kinh doanh là một con đường có thể đi lên từng bước một, không cần phải có bằng cấp cao. Bạn có thể thất bại vài lần nhưng sẽ học hỏi được từ những thất bại. Nếu bạn có sự quyết tâm, chăm chỉ, kiên trì và nỗ lực không ngừng thì sẽ tạo được những đột phá trong sự nghiệp.

CEO của Student Loan Hero cũng cho rằng, ngày nay, nhiều doanh nhân quá hiếu thắng trong quá trình khởi nghiệp, khi gặp thất bại hoặc không nhận được kết quả tốt thì họ dễ dàng bỏ cuộc. "Thành công và tương lai đều là những thứ không thể đoán trước. Rất nhiều người đã bỏ cuộc trước khi họ chạm đến thành công. Bởi vì, họ đã không có đủ sự kiên trì và quyết tâm. Nếu bạn thực sự muốn biết thành công là gì, hãy chăm chỉ làm việc, điều hành công ty của mình và phải bỏ thời gian cùng với tâm huyết cho nó", Andy Josuweit nói.

Trước đó, nhiều tỷ phú, CEO cũng cho rằng, bằng cấp vốn không quá quan trọng và người trẻ không nên đặt nặng vấn đề này. Khi được hỏi về tiêu chí bằng đại học trong hồ sơ tuyển nhân sự, tỷ phú Elon Musk thừa nhận đó không phải là điều kiện tiên quyết mà vị tỷ phú này mong muốn từ mỗi ứng viên.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Auto Bild của Đức vào năm 2014, Elon Musk đã nêu lên những tấm gương như Bill Gates, Larry Ellison và Steve Jobs. Đó đều là những con người chưa từng tốt nghiệp đại học và nếu có đi học thì đều bỏ dở giữa chừng.

Musk đưa ra ví dụ này chỉ nhằm nhấn mạnh một điều, bằng cấp không chứng minh các ứng cử viên có thực sự giỏi hay không mà chính tài năng, niềm đam mê của họ là điều thuyết phục Musk khi tuyển dụng nhân sự.

Naval Ravikant , đồng sáng lập của AngelList – mạng xã hội dành cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư từng có 3 lời khuyên cho tất cả mọi người:

- Họ cái gì và học ra sao mới là điều quan trọng hơn là việc học ở đâu hay học trong bao lâu.

- Những giáo viên giỏi nhất đều ở trên Internet. Những cuốn sách hay nhất và cả những người bạn tốt nhất cũng ở trên mạng.

- Công cụ học tập luôn phong phú chỉ có mong muốn học tập và tìm hiểu là khan hiếm mà thôi.

Điểm mấu chốt trong quan điểm về bằng cấp của Musk đó là hãy tận dụng nó như một hành trang chắp cánh cho ước mơ của bạn. Bằng cấp không phải là thứ tiên quyết để đạt được mọi thứ. Điều quan trọng hơn cả, hãy nỗ lực hoàn thành mong muốn, dự định tới cùng một khi đã đặt cược cả cuộc đời vào chúng.

Nguyễn Nguyễn

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên