Thời buổi mọi thứ đều đắt lên thì giá vé tàu hỏa lại có thể giảm tới 65%, nhưng doanh thu công ty đường sắt lại tăng vọt, tại sao vậy?
Ngành đường sắt xây dựng chính sách linh hoạt, bằng cách đặt giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách.
- 24-06-2021Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng
- 26-03-2021Tổng công ty Đường sắt đề xuất nâng cấp nhà ga thành khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ...
- 19-08-2020Tổng công ty Đường sắt lỗ trước thuế 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm
Trong quý đầu năm nay, ngành đường sắt ghi nhận sự phục hồi tốt. Thông tin với Báo Giao thông, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, quý I/2023 các chỉ tiêu chủ yếu vận tải hành khách đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 200%; Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng 150%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng “kỷ lục” hơn 650%. Các chỉ tiêu khác như doanh thu hành lý, doanh thu hàng hóa vận chuyển theo tàu khách cũng tăng trưởng cao, khoảng 29% so với cùng kỳ 2022. Đưa tổng doanh thu tàu khách tăng trưởng khoảng 185%.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, cũng đạt kết quả cao. Sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng trưởng khoảng 136% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 147%; Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng khoảng 128%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng khoảng 190%.
Lý giải nguyên nhân đạt kết quả vượt bậc so với cùng kỳ, đại diện hai đơn vị vận tải này cho biết, do quý I có đợt cao điểm vận tải Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu đông. Đường sắt đã áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, xây dựng giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách.
Đặc biệt, để thu hút chiều vắng khách, đường sắt giảm sâu giá vé tùy theo cự ly vận chuyển, ngày đi tàu, loại chỗ. Có loại chỗ giảm từ 50-65% giá vé kỳ thấp điểm. Cùng đó, áp dụng chính sách hành khách mua vé trước nhiều ngày được giảm từ 20% - 40% giá vé.
Trong thời gian chạy tàu dịp thấp điểm sau Tết, tiếp tục áp dụng các chính sách giảm giá vé, khuyến mại nhằm hút khách đi tàu như: Áp dụng bán vé nhóm “mua 3 vé tặng 1 vé” đối với các tàu tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; Giảm giá vé cho đoàn khách của các hiệp hội du lịch; Giảm giá vé mua nguyên phòng, nguyên toa; Giảm 20% giá vé đối với các số chỗ ấn định trên các mác tàu...
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) năm nay dự kiến đạt doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến nộp ngân sách Nhà nước khoảng 115 tỷ.
Nếu thành công, TCT Đường sắt Việt Nam sẽ ghi nhận lợi nhuận dương sau ba năm liên tiếp lỗ.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu phục hồi sau dịch và có lãi từ kinh doanh vận tải. Doanh thu của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng, giảm lỗ 400 tỷ đồng so với năm 2021.
Năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Ban lãnh đạo xác định hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ. Vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do tuyến đường biển đã giảm giá cước và cung tải tàu biển cũng tăng trở lại như trước dịch.
Nhịp sống thị trường