MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thổi" công dụng thực phẩm chức năng

06-08-2018 - 08:45 AM | Thị trường

Sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng tinh vi khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Sử dụng hình ảnh uy tín của cơ sở y tế, nhân viên y tế hay lập các "trang web ma" để "nổ tung trời" về công dụng của thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) là những chiêu trò tinh vi khiến không ít người tiêu dùng "sập bẫy".

Mượn danh bác sĩ

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã xử phạt 12 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với số tiền gần 500 triệu đồng. Trong số này, Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Á Châu (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bị phạt 100 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên trang web gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Không những thế, công ty còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của cơ sở y tế, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo. Một doanh nghiệp (DN) khác là Công ty CP Đầu tư Bảo Tâm (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng bị phạt 50 triệu đồng do sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Truekidz trên website.

Thổi công dụng thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Sản phẩm Chiến Mã Khang từng bị thu hồi vì quảng cáo như công dụng thuốc chữa bệnhẢnh: KHÁNH ANH

Trước đó, tháng 4-2018, Cục ATTP đã phạt Công ty TNHH Công nghệ phần mềm và Quảng cáo trực tuyến Megaads (TP Hà Nội) 225 triệu đồng vì quảng cáo nhiều loại TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh và bán cả trăm sản phẩm không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

Cuối tháng 6 vừa qua, Cục ATTP đã thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh ATTP và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm TPCN của Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, một trong những sai phạm phổ biến của các cơ sở kinh doanh TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là bán các sản chưa công bố, ghi nhãn sai, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, dùng danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo...

Dù không phải là chiêu trò mới nhưng tình trạng quảng cáo thuốc lẫn TPCN với công dụng "thần thánh" đang được không ít DN tận dụng triệt để. Với các bệnh lý phổ biến như xương khớp, dạ dày, bệnh nam giới..., nhiều DN tung ra các bài viết khẳng định TPCN là "sản phẩm chuyên biệt cho người bệnh xương khớp", "đánh bại bệnh xương khớp", "khắc tinh của xương khớp", "chữa dứt bệnh không tái phát", "hoàn tiền 100% nếu không bớt bệnh"... Thậm chí có DN lập lờ quảng cáo sản phẩm chung chung, không rõ là thuốc hay TPCN như "sản phẩm xương khớp Mujarhabat Kapsul". Sản phẩm dù được nhập khẩu nhưng trên vỏ hộp không có nhãn phụ tiếng Việt, không có ký hiệu đăng ký lưu hành được cơ quan quản lý cấp.

Cục ATTP cho biết năm 2017, trong số các vi phạm hành chính mà cơ quan này đã xử lý thì sai phạm về quảng cáo chiếm tới gần 50%. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 30 cơ sở vi phạm về quảng cáo bị xử lý với số tiền phạt hơn 1,2 tỉ đồng.

Kiểm tra là ra "quảng cáo ma"

Theo cơ quan chức năng, rất nhiều sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, thuốc chữa bệnh nhập khẩu được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, website, trang thông tin điện tử... nhưng qua kiểm tra thì cơ sở cung cấp các sản phẩm đó đều "không biết ai đã thực hiện quảng cáo này". Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP, cho biết có nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm thì DN không thừa nhận các trang quảng cáo đó của mình và các trang web lại đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý. Trước hiện tượng này, cục đã công khai thông tin và cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm được quảng cáo và bán trên các trang mạng "vô chủ".

Bên cạnh đó, chiêu trò mà các đối tượng bán TPCN qua mạng hay dùng để lừa đảo người mua là sử dụng người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ, sau đó nói quá, cố tình làm nghiêm trọng hóa bệnh tình để gợi ý mua sản phẩm. "Tôi đã từng gọi điện để nghe tư vấn về sản phẩm Vương Khớp An của Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh liên quan đến đốt sống. Khi tôi hỏi kiến thức về y tế, nhân viên lập tức lái câu chuyện đi và còn chia sẻ đã có rất nhiều người dùng sản phẩm, đã điều trị hiệu quả" - ông Phong nói.

Theo ông Phong, các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu hành phải được đăng ký công bố sản phẩm. Pháp luật cũng quy định không được sử dụng hình ảnh bác sĩ và cán bộ y tế, thư cảm ơn của người sử dụng sản phẩm… để quảng cáo. Do vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác trước những quảng cáo này. Hơn nữa, bản chất của TPCN chỉ là hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, không có tác dụng điều trị, không thể thay thế thuốc chữa bệnh.


Theo Ngọc Dung

Người lao động

Trở lên trên