Thời gian kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam gấp 3 lần các nước ASEAN-4
Thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình tại Việt Nam hiện mất khoảng 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.
- 29-06-2018Doanh nghiệp vẫn “khổ sở” vì kiểm tra chuyên ngành
- 14-06-2018"Kiểm tra chuyên ngành còn gây phiền toái cho doanh nghiệp"
- 07-02-2018Cắt giảm và đơn giản hóa 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành
Sáng 12/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, thống kê cho thấy, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cụ thể: mới chỉ có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành; vẫn còn 63/164 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chưa được các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc (Ảnh: VGP)
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tuy nhiên, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4. |
“Theo đánh giá của doanh nghiệp, nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có Danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này gây bất cập trong thực tế triển khai khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát. Một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới nêu trong khi Nghị định 15/2018. Chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng chưa triệt để để triển khai”, ông Vũ Tiến Lộc nêu thực tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc cắt gỉam điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu là việc cần làm quyết liệt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, bên cạnh một số bộ, ngành thực hiện tốt thì tiến độ thực hiện đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn thực hiện chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Ông Mai Tiến Dũng đề nghị, các bộ, ngành cần đẩy mạnh tiến độ hoàn thành thủ tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chậm nhất đến ngày 15/8 tới có thể ban hành Nghị định sửa đổi. Việc này đã kéo dài thêm nửa tháng so với mốc thời gian 30/7 trước đây.
“Tinh thần cải cách cố gắng theo hình thức thủ tục rút gọn một Nghị định sửa nhiều Nghị định. Tuy nhiên hiện nay, một số Bộ không thực hiện một Nghị định sửa 1, 2 điều kiện kinh doanh trong một Nghị định, cứ rải rác, như vậy sẽ khó làm được. Theo đó, cơ quan giúp Bộ trong việc này phải làm việc tích cực, việc này không tích cực sẽ không làm được”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.
VOV