Thời hoàng kim đã xa của Intel: Một sai lầm thổi bay ngôi 'vua chip', phải ‘gánh còng lưng’ giấc mơ đổi đời công nghệ của Mỹ
Từng là ông hoàng ngành chip, một quyết định sai lầm đã khiến Intel mất đi ngôi vương của mình. Giờ đây Mỹ đang dồn toàn lực để Intel một lần nữa tỏa sáng, nhưng có vẻ mọi người đang đánh giá thấp hiện thực tàn khốc.
- 15-04-2023Thay đổi ngược đời tại Intel: thuê đối tác khác sản xuất chip, còn mảng sản xuất chip lại nhận gia công cho đối tác khác
- 26-03-2023Đồng sáng lập Intel, cha đẻ “định luật Moore”, ông Gordon Moore vừa qua đời ở tuổi 94
- 10-03-2023'Cái giá' cho những tập đoàn hăm hở vào Mỹ: Đổ 20 tỷ USD xây nhà máy, Intel cay đắng nhận ra họ thiếu một thứ đến tiền cũng chẳng mua được
Cách đây gần 10 năm, Intel đang là ông vua trong ngành sản xuất chip bán dẫn và đứng trước một quyết định quan trọng. Một công nghệ sử dụng ánh sáng in khắc mới đủ sức tích hợp vào những con chip nhỏ làm tăng sức mạnh tính toán, hay còn gọi là công nghệ EUV được dự báo sẽ trở thành tương lai cho những sản phẩm như smartphone hay máy tính cá nhân.
Thế nhưng các giám đốc của Intel lại cho rằng công nghệ mới này sẽ mất rất nhiều năm để có thể trở nên phổ biến, qua đó tiếp tục tập trung phát triển công nghệ cũ cho các thế hệ chip tiếp theo nhằm duy trì lợi nhuận của mình.
Theo tờ Financial Times (FT), đây hóa ra lại là một quyết định sai lầm chẳng kém Nokia trong mảng smartphone trước đây. Có khác chăng là Intel không bị sụp đổ và mua lại mà chỉ đánh mất ngôi vương ngành chip bán dẫn vào tay đối thủ khác. Hãng TSMC đã áp dụng công nghệ EUV thành công vào năm 2019 để rồi trở thành nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, theo sát sau đó là Samsung.
“Rất dễ dàng để nhìn lại và nói: ‘Nếu một quyết định kiểu khác được đưa ra thì mọi chuyện đã khác’”, giám đốc kỹ thuật Ann Kelleher của Intel, đồng thời là người chịu trách nhiệm khôi phục hoạt động sản xuất chip cho hãng này ở Mỹ ngậm ngùi.
Giờ đây khi Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ với Trung Quốc, mọi nguồn lực, tiền bạc, ưu đãi đang được dồn cho Intel để đưa vị vua “già cỗi” này trở lại ngôi vương, qua đó gánh vác trọng trách giữ vị thế công nghệ cho quốc gia.
Nếu những tuyên bố, kế hoạch được chính quyền Washington và Intel cam kết được thực hiện đúng như dự đoán thì trong cuối năm nay, tập đoàn này sẽ bắt đầu sản xuất một lượng lớn chip EUV để giành lại cuộc chơi.
Tuy nhiên, lời nói thì luôn dễ hơn hành động và thực tế thì luôn khắc nghiệt.
Không trâu bắt...bò già đi cày
Năm 2022, Đạo luật “Chips Act” được Mỹ thông qua đã đảm bảo khoản đầu tư 52 tỷ USD hỗ trợ phát triển ngành sản xuất bán dẫn cũng như nghiên cứu phát triển công nghệ. Đi kèm với đó là khoản ưu đãi thuế 24 tỷ USD trong vòng 8 năm tới.
Đạo luật này nhắm tới việc thúc đẩy trở lại ngành sản xuất chip bán dẫn của Mỹ vốn chỉ chiếm 12% thị phần toàn cầu, thấp hơn rất nhiều so với 37% của năm 1990.
Tờ FT cho biết với chiến lược đem những nhà máy sản xuất công nghệ hiện đại trở về Mỹ, chính quyền Washington không còn nhiều lựa chọn khi buộc phải đặt cược vào Intel dù đế chế này đã ở tụt hậu phía sau trong cuộc đua công nghệ trên thế giới.
Tuy nhiên việc tụt hậu trong cuộc đua không phải khó khăn duy nhất mà “vị vua già” Intel phải vượt qua. Theo FT, việc nhu cầu khách hàng hiện nay có sự biến đổi khôn lường do đà phát triển của công nghệ, ví dụ như sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo đang đe dọa làm xói mòn nhu cầu dùng chip điện tử cho các máy tính cá nhân hay máy chủ truyền thống để chuyển qua loại chip GPU của Nvidia, vốn là hãng đang thống trị trong mảng này.
Vậy là Mỹ đang lên kế hoạch biến Intel thành ông trùm trở lại nhờ gia tăng sản lượng qua các siêu nhà máy cỡ lớn tại nội địa, cạnh tranh trực tiếp với TSMC ở mảng chip nhớ mà Intel đã từng bỏ rơi cách đây gần 40 năm trước, trong bối cảnh chip GPU của Nvidia được đánh giá có thể là tương lai của ngành công nghệ.
Không dừng lại ở đó, nhiệm vụ gánh cuộc đua công nghệ cho Mỹ của Intel diễn ra trong thời điểm tình hình tài chính của tập đoàn không được tốt. Vào tháng 1/2023, các nhà đầu tư phố Wall đã bị sốc khi Intel tuyên bố doanh thu công ty có thể giảm đến 40% trong quý I năm nay.
Tờ FT nhận định những khó khăn trên khiến chính quyền Washington đang phải đặt cược vào con đường khó đi nhất, qua đó buộc nhiều chính trị gia phải xem xét lại việc tái phân bổ đạo luật “Chips Act” với Intel.
“Đây là vấn đề rất nan giải, mọi người đang đánh giá quá thấp mức độ khó khăn thực tế”, giáo sư Willy Shih của trường đại học Harvard nhận định.
Theo giáo sư Shih, cho dù đạo luật “Chips Act” giúp đỡ được phần nào việc xây dựng nhà máy của Intel tại Mỹ thì các cơ sở này vẫn có chi phí sản xuất cao hơn so với đối thủ ở Châu Á, một sự thật không thể chối cãi và chưa có hướng giải quyết.
Thêm nữa, những người chơi khác cũng không đứng im nhìn Mỹ ra đòn. Chính phủ nhiều nước cũng tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Mỹ ngừng các gói hỗ trợ tiền tỷ của mình lại thì ngành sản xuất chip tại nền kinh tế số 1 thế giới chưa chắc đã giữ được nổi thị phần như mong muốn.
Xin được nhắc là tổng chi phí đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ của TSMC kể từ năm 2019 đến nay luôn vượt trội hơn nhiều so với Intel.
Cổ phiếu của Intel đã tăng 22% từ đầu năm đến nay nhưng xét trong 2 năm qua, giá cổ phiếu này đã giảm tới 50%.
Trong khi đó, chỉ số ngành bán dẫn “Philadelphia Semiconductor Index”, hàn thử biểu của toàn ngành lại giảm 2% bất chấp những thông tin hỗ trợ tích cực từ chính phủ.
“Intel đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn”, chuyên gia phân tích Stacy Rasgon của Bernstein Research đánh giá.
Hít khói
Tờ FT nhận định Intel đang tụt hậu và bị các đối thủ khác cho “hít khói” trong cuộc đua công nghệ, biến vấn đề này thành khó khăn lớn nhất cho tham vọng của chính quyền Washington.
Kể từ khi nhà đồng sáng lập Gordon Moore của Intel đưa ra tiên đoán nổi tiếng vào năm 1965 rằng số lượng bóng bán dẫn trên chip sẽ tăng theo cấp số nhân, tập đoàn này đã luôn dẫn trước 2 năm phát triển công nghệ so với đối thủ suốt nửa thế kỷ.
Tuy nhiên đến năm 2014, tình hình bắt đầu tồi tệ dần do quyết định sai lầm về EUV trước đây khiến Intel bị chậm chân trong công nghệ mới. Kế hoạch giảm kích cỡ chíp xuống 10 Nanometre của hãng khi đó bị thất bại khiến dự án đưa ra dòng chip 7nm sau đó phải lùi lại khoảng 5 năm so với dự kiến.
Intel hiện cho biết sẽ đưa dòng chip 7nm vào sản xuất trong năm nay sau nhiều lần trễ hẹn trong khi TSMC và Samsung đều đã thành công sản xuất những dòng chip mới này từ vài năm trước. Thậm chí đến Trung Quốc cũng đã làm ra được chip 7nm vào năm 2022.
Vào năm 2020, TSMC đã sản xuất hàng loạt chip 5nm, giúp những hãng AMD và Nvidia, vốn thuê ngoài sản xuất với TSMC, đạt được sự nâng cấp về hiệu suất cho các sản phẩm ship của mình, qua đó ăn mòn thị phần của Intel. Hàng loạt sản phẩm iPhone, MacBook hay Samsung đều dùng dòng chip này.
Hiện chip 3nm là dòng hiện đại nhất trên thị trường hiện nay với 2 hãng duy nhất sản xuất được là Samsung và TSMC. Trong khi Samsung đã bắt đầu giao hàng từ tháng 7/2022 thì Apple dự kiến sẽ trở thành khách hàng đầu tiên dùng chip 3nm của TSMC trong năm nay.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 10 năm, Intel từ công ty dẫn trước đối thủ cả một thế hệ công nghệ chip bán dẫn đã tụt xuống thành kẻ đi sau “hít khói”..
Giám đốc kỹ thuật Kelleher của Intel cho biết điều đầu tiên khi bà lên nắm quyền cách đây 2 năm là cố gắng thay đổi văn hóa cứng đầu của tập đoàn này. Việc dẫn đầu ngành chip khiến các kỹ sư ngại thay đổi, không dám mạo hiểm thử nghiệm những công nghệ mới là điều Intel cần phải thay đổi.
Bởi vậy hàng loạt dự án như PowerVia, cấp nguồn cho chip ở mặt sau bảng mạch để giải phóng không gian cho các mạch logic mặt trước, đã được Intel tiến hành mạnh mẽ. Phía công ty kỳ vọng những bước đi táo bạo này sẽ giúp hãng lấy lại vị thế vào năm 2025.
Tuy nhiên tờ FT nhận định chưa có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy những dự án thử nghiệm mới của Intel sẽ tạo thành bước đột phá. Trong 5 dự án trọng điểm của Intel, có 1 dự án sẵn sàng để phát hành và 4 cái còn lại sắp hoàn thành. Tuy nhiên hãng sẽ cần thời gian để đưa vào sản xuất hàng loạt cũng như tích hợp lên những sản phẩm mới của mình, một công việc không dễ dàng.
Theo chuyên gia Rasgon của Bernstein, Intel sẽ phải tốn ít nhất 5 năm nữa để có thể xác định những dự án mới của mình có đưa tập đoàn này trở về top đầu cuộc đua công nghệ hay không.
Nhà vô địch Mỹ
Để giành lại cuộc chơi như mong muốn của chính quyền Washington, Intel đã đầu tư mạnh cho hàng loạt siêu nhà máy. Hãng dự định mở 2 siêu nhà máy ở Phoenix, 2 cái nữa ở Ohio và một nhà máy trị giá 17 tỷ Euro tại Đức. Đây cũng là dự án đầu tư nhà máy chip lớn nhất của Đức kể từ sau Thế chiến II. Thậm chí chính phủ Đức còn đề nghị Intel mở rộng quy mô kế hoạch tại đây để đổi lại những ưu đãi thêm nữa.
Tờ FT ước tính tổng chi phí bước đầu của những dự án trên vào khoảng 60 tỷ USD. Đạo luật “Chips Act” dự kiến sẽ tài trợ 12 tỷ USD cho các nhà máy của Intel tại Mỹ, cùng với những khoản ưu đãi về thuế khác.
Đổ nhiều tiền là vậy nhưng Mỹ chưa thể tự chủ được về mảng chip bán dẫn. Báo cáo của trung tâm CSET cho thấy khoảng 55% số chip tiên tiến được tiêu thụ tại Mỹ là sản xuất bởi TSMC, Intel chỉ chiếm 25% và số còn lại là của Samsung.
Theo CSET, nếu đạo luật “Chips Act” phân bổ tiền dựa theo thị phần, nghĩa là TSMC và Samsung cũng nên được hỗ trợ thì Intel có lẽ chỉ giành được 50% số vốn mà tập đoàn được nhận. Tuy nhiên vì là “quốc tịch” Mỹ, lại sẵn sàng xây hàng loạt siêu nhà máy tại đây nên Intel nghiễm nhiên trở thành lựa chọn duy nhất cho chính quyền Washington.
“Chính phủ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài hỗ trợ để đưa Intel thành một ‘nhà vô địch Mỹ’”, ông AL Thompson, một trong những người đứng đầu khối vận động hành lang của Intel nhận định.
Tuy nhiên kể cả như vậy thì tờ FT nhận định chẳng có gì đảm bảo nhu cầu thị trường sẽ tiêu thụ được hết sản lượng chip mà các siêu nhà máy của Intel sản xuất ra. Thậm chí việc vận hành những siêu nhà máy này cho có lợi nhuận cũng là một vấn đề nan giải.
Hết thời
Theo FT, doanh số mảng máy tính cá nhân (PC), vốn là thị trường chính của Intel, đã suy giảm sau giai đoạn bùng nổ nhờ đại dịch. Các nhà đầu tư Phố Wall thậm chí nhận định những kỳ vọng của Intel về thị trường trong dài hạn là phi thực tế.
Bằng chứng rõ ràng nhất là Apple đã từ bỏ Intel cho dòng máy Mac của mình để chuyển sang chip do chính họ thiết kế.
Tồi tệ hơn, nhờ những bước đi đúng đắn và sự bùng nổ công nghệ của TSMC mà những doanh nghiệp có hợp đồng thuê ngoài với thương hiệu này như AMD dần chiếm đến 35% thị phần chip PC, qua đó đe dọa trực tiếp Intel.
Chuyên gia Rasgon của Bernstein thậm chí cho rằng ngày càng nhiều khách hàng lớn của Intel cũng đang dần bỏ họ mà đi.
“Khoảng 30% thị phần chip PC của Intel đã bốc hơi, và ngày càng nhiều khách hàng lớn bắt đầu rời đi”, ông Rasgon cảnh báo.
“Intel là một đối tác tuyệt vời, nhưng nếu họ không thể thành công thì chúng tôi sẽ chuyển qua dùng nhà cung ứng khác. Thị trường cạnh tranh tự do là điều tốt mà”, CEO Michael Dell của Dell Technologies đồng quan điểm.
Ngoài ra, hàng loạt những ông lớn hiện nay trong ngành điện toán đám mây như Google, Amazon đã bắt đầu tự thiết kế chip của mình, đe dọa đến mảng chip bán dẫn máy chủ của Intel.
Phố Wall thì cho rằng cuộc đua AI hiện nay đang đem lại phần thắng lớn nhất cho Nvidia chứ không phải Intel. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 90% từ đầu năm đến nay và tổng giá trị vốn hóa tăng thêm 360 tỷ USD, cao gấp 2,5 lần tổng mức vốn hóa thị trường của Intel.
Nghi ngờ
Ngay cả khi các dự án của Intel thành công thì cũng chưa chắc các khách hàng đã muốn sử dụng chip của họ.
“Việc Intel thành công là một điều tốt cho Mỹ, nhưng liệu họ có thực hiện được hay không thì đây lại là một câu hỏi khó bởi công ty vẫn chưa đảm bảo được chuỗi cung ứng”, CEO Cristiano Amon của Qualcomm đánh giá.
Theo FT, việc cạnh tranh với TSMC không chỉ là vấn đề công nghệ, sản lượng chip mà còn liên quan đến cách thức kinh doanh, bao gồm việc thuyết phục khách hàng rằng Intel sẽ không vì lợi ích của bản thân hay sức ép của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ để làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip.
Thế rồi thực tế rằng chi phí sản xuất chip tại Mỹ đắt hơn Châu Á là điều mà Intel vẫn chưa thể giải quyết.
Tờ FT thậm chí nhận định những kỳ vọng phi thực tế về việc đối đầu với Nvidia hay TSMC chỉ bằng đốt tiền và xây thêm nhà máy có khả năng sẽ đẩy Intel đến bờ vực sụp đổ khi dự án thất bại, không có khách hàng, chi phí sản xuất quá cao hoặc đơn giản là khi gói hỗ trợ của chính phủ Mỹ chấm dứt.
“Intel mất chưa đến 10 năm để đánh mất ngôi vương của mình, bỏ bê mảng sản xuất chip tại Mỹ trong hơn 30 năm. Vì vậy đừng mong tập đoàn này đạt được kỳ vọng cho đến mùa bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo”, giáo sư Shih của trường đại học Harvard kết luận.
*Nguồn: FT
Nhịp sống thị trường