Thời kỳ “ăn nên làm ra” của CLB các trường ĐH nghìn tỷ: Doanh thu phá kỷ lục vượt 2.000 tỷ đồng/năm, sở hữu một nguồn thu chiếm đến hơn 90%
Năm 2020, lần đầu tiên một trường ĐH của Việt Nam ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2024, số trường gia nhập CLB nghìn tỷ đã lên tới 11 trường, trong đó có 7 trường công và 4 trường tư thục, 8/11 trường nằm ở phía Nam.
Doanh thu nhiều trường ĐH nghìn tỷ tăng mạnh
Trong 9 trường đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng năm 2022, doanh thu cao nhất là Trường ĐH FPT với mức 2.065 tỷ đồng, Mức doanh thu này tăng 676 tỷ đồng so với năm 2021 (1.389 tỷ đồng) và tăng 1.154 tỷ đồng so với năm 2020. Đây là ngôi trường ĐH đầu tiên ghi nhận mức doanh thu vượt 2.000 tỷ đồng.
Mức tăng này tỷ lệ thuận với quy mô đào tạo khi từ năm 2020 đến hết năm 2022, lượng sinh viên theo học tại ngôi trường này đã tăng gần 3 lần, từ 12.937 sinh viên lên mức 34.943 sinh viên. ĐH FPT hiện có 5 cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn (Bình Định).
Xếp sau FPT là Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) có tổng nguồn thu 1.758 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong 5 năm, doanh thu ngôi trường này tăng gấp 4 lần, từ 408 tỷ đồng vào năm 2018 lên mức 1.030 tỷ đồng vào năm 2021. Quy mô đào tạo của ngôi trường này cũng tăng đến 3 lần trong 5 năm, từ 13.200 sinh viên vào năm học 2018-2019 đến gần 43.000 sinh viên vào năm học 2022-2023.
Top 3 trong danh sách “CLB nghìn tỷ” là ĐH Kinh tế TP.HCM (1.443 tỷ đồng). Ngôi trường này bắt đầu ghi nhận mức doanh thu nghìn tỷ từ năm 2021, cụ thể là 1.169 tỷ đồng theo Đề án tuyển sinh năm 2022. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2020.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ là nhóm trường đạt doanh thu trên 1.100 tỷ đồng. 2 trường phía Bắc gia nhập “CLB nghìn tỷ” là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế quốc dân.
Doanh thu ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 ghi nhận mức độ tăng nhẹ so với năm 2021, từ 1.050 tỷ đồng tăng lên 1.070 tỷ đồng nhưng lại giảm so với năm 2020 (1.141 tỷ đồng). Trường ĐH Kinh tế quốc dân có tổng nguồn thu năm 2022 là 1.061 tỷ đồng, tăng 176 tỷ đồng so với năm trước đó.
Doanh thu năm 2023 của một số trường đã được công bố trong đề án tuyển sinh năm học 2024-2025. 2 trường ĐH công lập lần đầu bước vào top nghìn tỷ là Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (1.003 tỷ đồng) và Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (1.010 tỷ đồng). Trường ĐH Bách khoa cũng là trường thành viên có tổng nguồn thu hợp pháp trên 1.000 tỷ đầu tiên và có doanh thu năm 2023 lớn nhất hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhóm trường nghìn tỷ năm 2022 cũng ghi nhận mức tăng trong năm 2023: ĐH Kinh tế TP.HCM đạt 1.679 tỷ đồng (tăng 232 tỷ đồng), ĐH Kinh tế quốc dân thu 1.186 tỷ đồng (tăng 125 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn thu mất cân đối, dựa nhiều vào học phí
Dựa vào Báo cáo Ba công khai và Đề án tuyển sinh của các trường ĐH đạt doanh thu trên 1000 tỷ, cơ cấu nguồn thu đều đến từ ngân sách (trường công lập), học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn hợp pháp khác.
Đáng chú ý trong cơ cấu doanh thu của các trường, nguồn thu từ học phí luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, dao động 50-90% ở cả trường công lập và tư thục. Như tại trường ĐH Tôn Đức Thắng, học phí chiếm đến 90,3%. Tỷ lệ này ở ĐH Bách Khoa Hà Nội là 79,5%. Ở các trường tư thục, con số này vượt 90%.
Trong khi nguồn thu từ học phí luôn chiếm tỷ lệ cao, nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao khá thấp. Ở ĐH FPT, nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bằng 0. Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, con số này chỉ nhỉnh hơn 1 chút 0,9%.
Ở những trường công lập tự chủ vẫn nhận được ngân sách từ Nhà nước, tỷ lệ này cũng không mấy khả quan. Tỷ lệ doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ĐH Bách khoa HN, trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), trường ĐH Tôn Đức Thắng lần lượt là 0,7%, 2,1%, 4,4%, 5,3%.
Đáng chú ý, trong số những trường có doanh thu nghìn tỷ công khai đầy đủ cơ cấu doanh thu năm học 2022, ĐH Kinh tế TPHCM là cơ sở giáo dục có tỷ lệ nguồn thu đến từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao vượt trội, 25,1%.
Tuy nhiên thống kê của đa số các trường thuộc "CLB nghìn tỷ" cho thấy cơ cấu nguồn thu của những trường này đang mất cân đối. Nguồn thu chính vẫn phải “trông chờ” vào học phí. Các nguồn thu khác không đáng kể. Điều này vô tình gây áp lực cho người học về việc các trường đua nhau tăng học phí để đảm bảo chất lượng.
Song mức tăng này sẽ diễn ra một cách có lộ trình và được thực hiện đúng theo cam kết của các trường với Chính phủ.