Thói quen mua vàng trở thành “thuốc giảm đau” cho biến cố lớn nhất cuộc đời: “22 cây vàng đã cứu vớt đời mình”
Chưa hoàn toàn vượt qua nỗi đau mất người thân, nhưng Thu Hoài cho biết cuộc sống hiện tại của cô vẫn ổn, ít nhất là về mặt tài chính.
- 30-03-2024Mua vàng nhiều nhất nhưng Trung Quốc không phải là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới: Quốc gia đứng đầu có lượng dự trữ bằng 3 nước đứng sau cộng lại
- 25-03-2024Từng tiêu xài hoang phí và lạm dụng thẻ tín dụng: Bà mẹ 2 con giờ có quỹ tiết kiệm hàng tháng, còn dư tiền mua vàng nhờ 4 mẹo đơn giản
- 18-03-2024Cô gái chi 80 triệu đồng mua vàng, hàng về lại thấy... hút được nam châm, chủ cửa hàng bị cảnh sát triệu tập rồi được thả ngay
Chúng ta thường khuyên nhau mua vàng, vì đây là loại tài sản chẳng bao giờ lo mất giá, có thể chống lại lạm phát; hoặc dễ hiểu hơn là khi "đổi" tiền mặt ra thành vàng, bạn chẳng tiêu xài linh tinh được nữa, thói quen tiêu sản cũng vì thế mà lụi tàn.
Là người có "thâm niên" mua vàng tích sản hơn 1 thập kỷ, Thu Hoài (sinh năm 1993, hiện đang sinh sống và làm việc ở Bắc Ninh) cho biết: "Mình mua vàng hàng tháng từ tiền làm thêm hồi sinh viên, khi ấy chắc mới 19-20 tuổi thôi. Chỉ là bản thân mình chưa bao giờ nghĩ số vàng tích lũy được sẽ được dùng theo cách này".
Dùng 8 cây vàng chữa bệnh cho chồng
Thu Hoài kết hôn năm 2018. Ở thời điểm đó, cô đã duy trì thói quen mua vàng hàng tháng được 6 năm. Trước khi "lên xe hoa", Thu Hoài có 8 cây vàng "dắt túi".
"Hồi ấy vàng không đắt như bây giờ đâu. Mình còn nhớ năm 2012, mình mua được nửa chỉ vàng đầu tiên với giá khoảng 1,6 triệu đồng - gần nửa tháng lương miệt mài đi dạy gia sư kín tuần của mình. Tháng nào mình cũng mua nửa chỉ, đến khi đi làm, lương cao hơn thì mua 1 chỉ. Tới lúc lấy chồng là có 8 cây vàng làm của riêng rồi" - Thu Hoài kể.
Sau khi cưới, Thu Hoài cùng chồng duy trì thói quen mua vàng hàng tháng. Thu nhập nhân đôi, số vàng cũng nhân đôi hàng tháng. Từ nửa chỉ, 1 chỉ, sau khi lấy chồng, mỗi tháng cặp vợ chồng này mua được ít nhất 4 chỉ vàng.
Ảnh minh họa
"Ban đầu, vợ chồng mình định cùng nhau mua vàng khoảng 5 năm rồi bán đi, lấy tiền mua nhà ở Hà Nội. Nhưng chưa kịp hiện thực hóa giấc mơ có nhà riêng, biến cố đã ập đến. Chồng mình phát hiện bị ung thư máu vào giữa năm 2020" - Thu Hoài ngậm ngùi kể lại.
Ở thời điểm hung tin ấy ập đến, vợ chồng Thu Hoài có tổng cộng 28 cây vàng, tính cả vàng cưới được bố mẹ hai bên tặng. Ngoài tích lũy vàng, vợ chồng Thu Hoài cũng có tiền tiết kiệm và quỹ lo cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì ưu tiên dồn tiền để mua vàng hàng tháng nên khoản tiết kiệm và quỹ sức khỏe không có nhiều.
"Khoảng 2 tháng đầu, mình dùng tiền tiết kiệm và tiền trong quỹ sức khỏe để trang trải viện phí cho chồng. Đến tháng thứ 3, mình phải bán cây vàng đầu tiên mới đủ tiền. Sau đó, mình cũng bán thêm 7 cây vàng nữa, cứ không có tiền đóng viện phí là mình lại mang vàng đi bán. Mình sẵn sàng bán hết. Lúc đó chẳng quan tâm lỗ hay lãi nữa đâu" - Thu Hoài có phần rưng rưng khi nhắc lại.
Dù bản thân và cả hai bên gia đình đều góp sức chữa bệnh cho chồng Thu Hoài, nhưng không may, anh vẫn không qua khỏi. Cuối năm 2021, dù không mong muốn, Thu Hoài vẫn phải trở thành mẹ đơn thân ở tuổi 28.
Dùng 22 cây vàng để ổn định lại cuộc sống và nuôi con
Động lực giúp Thu Hoài vượt qua nỗi mất mát người thân ấy chính là cậu con trai 4 tuổi. Sau khi ông xã qua đời, ông bà hai bên và cả bạn bè thân thiết đều chủ động hỏi Thu Hoài có cần hỗ trợ về mặt tài chính không. Tuy nhiên, cô đều từ chối.
"Lo xong hậu sự cho chồng, mình xin nghỉ việc để chuyển về Bắc Ninh ở với bố mẹ. Lúc đó, thực sự mình không nghĩ được gì nhiều, cảm thấy không thể tiếp tục sống ở Hà Nội nữa vì bao nhiêu kỷ niệm đẹp mình có ở nơi đó đều trở thành nỗi đau cả rồi. Đến giờ nghĩ lại, mình mới nhận ra khi ấy, mình nghỉ việc, chuyển về quê trong phút mốt được một phần vì mình không sợ giờ nghỉ việc thì lấy gì nuôi con" - Thu Hoài bộc bạch.
Ảnh minh họa
Trước đây, Thu Hoài là nhân viên kế toán cho một công ty xuất - nhập khẩu ở Hà Nội. Về Bắc Ninh được khoảng 4 tháng, cô mới bắt đầu đi xin việc và đi làm trở lại.
"Mình bán 1 cây vàng để trang lo tiền bỉm sữa, ăn uống cho 2 mẹ con trong 4 tháng ấy. Ông bà không bắt mình phải đưa tiền, nhưng mình không muốn như vậy. Đến lúc tìm được việc, số tiền bán 1 cây vàng ấy vẫn còn dư một ít, mình dùng để góp vốn mở một quán cà phê nhỏ với bạn ở thành phố Bắc Ninh" - Thu Hoài chia sẻ.
Cuối năm vừa qua, khi giá vàng đạt đỉnh, Thu Hoài đã bán toàn bộ 22 cây vàng để chuyển về Hà Nội sinh sống.
"Đi làm lại và có thêm nguồn thu nhập thụ động từ quán cà phê, mình bắt đầu mua vàng trở lại. Đến tháng 12/2023, mình có tổng cộng 22 cây vàng. Trước đó, mình đã nghĩ đến việc ra Hà Nội sống vì muốn cho con học trường Quốc tế nên quyết định bán hết vàng để mua nhà. Tiền bán vàng cộng với tiền bố mẹ mình hỗ trợ là đủ để mình mua 1 căn chung cư 2 phòng ngủ mà không phải đi vay" - Thu Hoài kể.
Nhìn lại 3 năm vừa qua của mình, Thu Hoài vẫn chưa hẳn đã hết buồn khi kể lại mọi chuyện, nhưng cô vẫn tự tin khẳng định cuộc sống hiện tại của 2 mẹ con rất ổn.
Cô cũng không ngại thừa nhận việc có số vàng tích lũy khá lớn chính là điểm tựa để bản thân ổn định cuộc sống và dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng.
"Nếu mình chỉ có một mình thì mình sống sao cũng được, nhưng có con rồi thì khác lắm. Dù biết không gì có thể bù đắp cho con sau mất mát ấy nhưng lúc đó mà mình còn không 1 xu dính túi, thì không thể tưởng tượng được cuộc sống của 2 mẹ con sẽ thế nào. Tiền bạc không giúp nỗi đau nguôi ngoai nhanh hơn, nhưng nó giúp mình không khổ thêm và không làm khổ những người thân xung quanh mình.
Mình nói 22 cây vàng đã cứu lấy mình là vì thế" - Thu Hoài chia sẻ.
Có lẽ, không lời nào là đủ để miêu tả bản lĩnh của người phụ nữ này. Tiết kiệm từ khi mới 18 đôi mươi và nhờ chính thói quen "năng nhặt chặt bị" ấy mà có thể tự ổn định cuộc sống sau biến cố, thật ra không phải 22 cây vàng cứu lấy Thu Hoài. Cô đã tự cứu chính mình đấy chứ!
Nhịp sống thị trường