2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế tăng giá: Người nghèo thêm nỗi lo
Tại TPHCM, bắt đầu từ ngày 1/6/2014, khoảng 2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được tăng giá 75% so với khung giá của Bộ Y tế.
Không có chỗ nằm do khoa Ngoại 3, bệnh viện Ung bướu TPHCM hết giường, hai ngày nay bệnh nhân Nguyễn Văn Quý, 56 tuổi và con trai ở Phú Yên phải thuê phòng trọ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh để ở. Giá mỗi ngày đêm dành cho hai người gần 150 nghìn đồng.
Ông Quý bị ung thư vòm họng giai đoạn hai, phải điều trị dài ngày nhưng theo lời con trai ông, chi phí điều trị mỗi ngày của ông Quý gần cả triệu đồng trong khi gia đình lại khó khăn.
“Đọc báo hay tin các bệnh viện ở TPHCM chuẩn bị tăng viện phí, bệnh của tôi phải điều trị lâu dài không biết có kham nổi chi phí không”- ông rầu rĩ.
Theo đề án tăng giá viện phí vừa được HĐND TPHCM thông qua, giá 2.000 dịch vụ y tế sẽ tăng từ 1/6/2014 và sẽ tiếp tục tăng 85% so với khung giá do Bộ Y tế quy định từ 1/6/2015. Một năm sau sẽ tăng 100% bằng với khung giá quy định của bộ. Với nhóm phẫu thuật, thủ thuật thì mức giá sẽ tăng lên 65% từ 1/6/2014 và tăng tương ứng 75% và 100% vào ngày 1/6/2015 và 1/6/2016.
|
Dù có bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 80% nếu đưa vào bệnh viện đúng tuyến nhưng nhiều người bệnh cũng lo ngại, chi phí còn lại 20% mà họ chi trả cũng không phải là nhỏ, nhất là với những gia đình có cuộc sống khó khăn.
“Tôi là hộ nghèo, được bảo hiểm y tế thanh toán 95% nhưng 5% còn lại nếu chi phí điều trị lớn cũng không dễ dàng gì”- bà Nguyễn Thị Hoa, 63 tuổi ở huyện Nhà Bè, TPHCM nói.
Năm ngoái, chồng bà lâm trọng bệnh, chi phí điều trị vượt 100 triệu đồng, dù phải đóng chỉ gần 10 triệu nhưng với một người nghèo như bà, đó là món tiền quá lớn.
“Còn tiền ăn, tiền nước, nhiều khoản bảo hiểm y tế không chi trả nữa nên tôi nghe đến tăng viện phí là rất sợ”- bà nói.
Bà Nguyễn Thị Bích, ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cho rằng việc tăng viện phí có thể cần thiết nhưng nên tăng từ từ, không thể ào một cái lên tới 65-75% được. “Dù Bộ Y tế nói tăng giá không ảnh hưởng đến dân vì dân có mua bảo hiểm y tế và có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng viện phí tăng sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác ăn theo, khi ấy mới đáng sợ”- bà Bích phân tích.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho rằng hiện có khoảng 63% người dân TPHCM có bảo hiểm y tế và phấn đấu đến năm 2015 con số này tăng lên 76%. Trong khi đó, năm 2015 và 2016 mức viện phí ở TPHCM sẽ tăng kịch trần theo quy định của Bộ Y tế lên 100%.
Chẳng đặng đừng?
“Đã 18 năm qua, viện phí vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều nơi có điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh chưa theo kịp các chi phí”- lãnh đạo của một bệnh viện ở TPHCM nói và cho rằng TPHCM điều chỉnh tăng giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm- phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, theo quy định khung giá ban hành từ cách đây gần 18 năm, mỗi lượt khám chỉ 3.000-5.000 đồng, trong khi đó tiền giường nằm điều trị theo quy định chỉ từ 4.000 - 18.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng 1 và từ 2.500 - 16.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng 2... gần như đã quá lỗi thời trong thời điểm hiện tại.
Theo bảng giá được áp dụng theo Thông tư 14 năm 1995, nằm giường bệnh hồi sức cấp cứu, bệnh nhân chỉ trả 12.000 - 18.000 đồng/ngày ở bệnh viện hạng 1 và đặc biệt. Còn nằm điều trị ở các khoa truyền nhiễm, hô hấp tim mạch, bệnh nhân chỉ trả 8.000 - 10.000 đồng/ngày với bệnh viện hạng 1 và dưới 8.000 đồng/ngày với bệnh viện hạng 2 hoặc 3.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 Nguyễn Đình Phú cho biết nếu thực hiện theo giá cách đây 18 năm thì mỗi ca phẫu thuật cắt amidan, bệnh viện chỉ thu từ 20.000 - 40.000 đồng, chưa đủ chi phí cho bông gạc và dụng cụ mổ.
Tuy nhiên, nếu như được điều chỉnh giá, mức giá sẽ tăng lên từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng/ca . Theo tính toán từ Cục Khám chữa bệnh, trong thủ thuật này chỉ riêng tiền thuốc mê cho kỹ thuật cắt amidan đã là 220 nghìn đồng, trong khi tiền bông, băng, sát trùng, kháng sinh... cộng lại khoảng 400.000 đồng/ca.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh- giám đốc bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định nếu không điều chỉnh giá chất lượng khám chữa bệnh sẽ khó tăng lên. Bác sỹ Minh cho rằng giá điện nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay đều tăng nên tăng chi phí khoảng 10.000- 30.000 đồng/lần khám tùy thuộc vào chuyên khoa và hạng bệnh viện là hợp lý.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ- giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nói việc điều chỉnh một số dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đưa ra lần này không đơn thuần tăng mà còn có dịch vụ giảm.
Theo bác sĩ Vũ, các dịch vụ tăng có thể bù đắp vào chi phí mà các bệnh viện phải tự chủ lâu nay như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trực hay phụ cấp phẫu thuật. “Nguồn thu từ điều chỉnh dịch vụ y tế sẽ được chi trả cho các khoản phụ cấp, điều chỉnh lương sắp tới.
Nguồn thu này sẽ giúp bệnh viện tăng khả năng phục vụ, cung cấp dịch vụ như tăng thêm khu vực hướng dẫn bệnh nhân, giúp người tàn tật, đối tượng ưu tiên và tăng cường thêm bộ phận trực vệ sinh”- bác sĩ Vũ nói.
Mặc dù các bệnh viện đều kêu ca, sẽ khó chống chọi lại với giá cả các mặt hàng đều tăng trong khi giá dịch vụ y tế “ngồi một chỗ”, song hình như chưa có bệnh viện nào thua lỗ. Thậm chí nhiều bệnh viện làm ăn ngày càng khấm khá.
Và một điều còn là ẩn số: Tăng giá nhưng chưa rõ chất lượng dịch vụ y tế có tăng tương ứng hay không? Đó là điều người bệnh luôn thắc thỏm, băn khoăn.
Theo Lê Nguyễn