9.000 tỷ và 3 phương án 'cứu' cầu Long Biên
Bộ GTVT vừa đưa ra 3 phương án trong dự án bảo tồn cầu Long Biên làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo lắng cho một di sản, một biểu tượng vắt qua 3 thế kỷ của thủ đô.
Liên quan đến dự án xây dựng cầu đường sắt cho dự án đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi liên Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL cùng UBND TP. Hà Nội về 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên.
Cả 3 phương án này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia xây dựng và các nhà văn hóa.
3 phương án và 9.000 tỷ đồng
Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.
Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Cầu sẽ được gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ 2 bên cầu phục vụ cho nhu cầu du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ những nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.
Cầu Long Biên - một biểu tượng của thủ đô bắc qua 3 thế kỷ. Ảnh: VietNamNet |
Cầu đường sắt vượt sông Hồng mới khi đó sẽ bao gồm cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ô tô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ
Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.
Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà).
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
9 nhịp cầu còn nguyên bản từ phía Hà Nội sẽ được bảo tồn mang tính nguyên bản. Các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn.
Theo Bộ GTVT, cả 3 phương án này đều chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân với chi phí giải phóng mặt bằng từ 867 tỷ - 989 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là 7.982 tỷ đồng, 9.094 tỷ đồng và 9.389 tỷ đồng.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902). Hiện tại, đây là cây cầu độc đáo hiếm hoi trên thế giới. Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Sau chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), các nhịp cầu bị bom đánh sập đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới. Sau khi cầu Chương Dương hoàn thành (1985), cầu Long Biên chỉ sử dụng cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cuối 2005, xe máy được phép qua cầu Long Biên để giảm ùn tắc cho cầu Chương Dương. Cầu Long Biên đã qua nhiều lần sửa chữa, thay nhịp. Vào những năm cuối thế kỷ XX, cầu Long Biên được gia cố giai đoạn 1, 17 giàn dầm cũ được thay thế bằng giàn dầm thép mới. Vào năm 2002, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án gia cố, sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2 với tổng vốn gần 95 tỷ đồng. |
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?
Trên cơ sở so sánh các phương án, Bộ GTVT cho rằng phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng.
Nếu thực hiện theo phương án 1, sẽ xây dựng thêm 2 trận địa pháo phòng không cao 11,5 m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng, mô phỏng trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm năm 1972.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành xem xét, có ý kiến thống nhất phương án lựa chọn làm cơ sở để Bộ GTVT chỉ đạo Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo GS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cả 3 phương án trên của Bộ GTVT đều không ổn nếu xét từ góc nhìn di sản kiến trúc, di sản đô thị.
Trên báo Thanh niên, GS Kính phân tích, sớm muộn cũng phải sử dụng những phương tiện đường sắt hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô, nên việc cải tạo, hiện đại hóa cầu Long Biên là không có hiệu quả.
"Về lâu về dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy (trong khoảng thời gian cũng không dài), cho đi bộ và cho xe đạp”, GS Kính nhấn mạnh.
Phân tích kỹ các phương án, ông Kính chỉ ra: "Ngoài việc đổ lên đầu cây cầu quá nhiều nhiệm vụ vận tải, tôi còn thấy buồn cười vì ý tưởng xây cầu mới giống hệt cũ (phương án 2). Như thế khác gì phá cũ đi để xây một mô hình khác, rồi lại đi tôn vinh mô hình mới".
Trên Đất Việt, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cũng cho rằng giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên là bảo tồn nguyên trạng.
"Cầu Long Biên là một công trình quan trọng trong di sản kiến trúc của TP.Hà Nội. Di sản chỉ có một, không nên ứng xử vội vàng.
Việc ưu tiên cho phát triển kinh tế-xã hội là đương nhiên, nhưng không thể hi sinh một di sản vô giá, ngụy biện cho lý do vì phát triển kinh tế xã hội bằng bất cứ giá nào...", ông Hào nêu quan điểm.
Trước đó, trong Hội thảo quy hoạch bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên, nhiều tham luận cũng chỉ ra cần phải biến cầu Long Biên thành địa điểm du lịch, văn hóa. Khi tiến hành cải tạo, quy hoạch cần tôn trọng bản sắc Việt Nam và luật di sản.