MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Agribank ưu tiên con cháu: Quan hệ gia đình bao che cho sai phạm?

29-10-2015 - 08:04 AM | Xã hội

Cách Agribank công khai ưu tiên tuyển con cán bộ mà không cần tuyển dụng người tài giỏi sẽ có tác động đến khả năng cạnh tranh của chính ngân hàng này và việc quan hệ gia đình có tạo sự bao che, cấu kết sai phạm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Việc Ngân hàng Agribank công khai đăng tuyển dụng ưu tiên con cán bộ (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank vừa gây chú ý dư luận. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nguồn nhân sự cũng như sự cạnh tranh của ngân hàng?

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu xung quanh những vấn đề về cách tuyển dụng nhân sự này.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cách tuyển dụng ưu tiên con cán bộ trong ngân hàng Agribank được cộng thêm điểm là chính sách tuyển dụng không phù hợp với thông lệ trong ngành ngân hàng, có thể ảnh hưởng đến năng lực của nhân viên.

- Việc Ngân hàng Agribank công khai tiêu chí tuyển dụng con cháu cán bộ, cộng thêm 30/100 điểm cho con của cán bộ đang làm việc là có hay chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng, thưa ông?

Sở dĩ không có ngân hàng nào ưu tiên cho các con cháu cán bộ đang làm việc là bởi, nhiều ngân hàng lo ngại trường hợp có nhiều ứng viên có họ hàng, quan hệ ruột thịt với nhau cùng làm trong một cơ quan hay một bộ phận thì có thể tạo ra một môi trường làm việc không lành mạnh, nếu có hành vi không đúng quy định thì những người thân thường có xu hướng bao che cho nhau. Như thế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng không có chính sách ưu tiên con cháu cán bộ vì điều này sẽ tạo ra một môi trường nhóm thân thiết với nhau, không đóng góp cho văn hóa chung của cả doanh nghiệp.

- Cách ngân hàng Agribank công khai ưu tiên tuyển con cán bộ mà không nhắc đến việc ưu tiên tuyển dụng người tài giỏi sẽ có tác động như thế nào đến chất lượng nhân sự của ngân hàng, thưa ông?

Nếu đặt những chỉ tiêu quan hệ ruột thịt lên ưu tiên hàng đầu như thế thì dĩ nhiên những người được tuyển dụng có thể được xét dưới khía cạnh quan hệ chứ không phải được xét dưới khía cạnh có đủ phẩm chất đáp ứng điều kiện tuyển dụng hay không. Có thể ảnh hưởng đến năng lực cán bộ nhân viên của mình.

Tuy nhiên, có thể với Ngân hàng Agribank, việc tuyển dụng những nhân viên tại các vùng sâu, vùng xa gặp những khó khăn thì họ có những chính sách ưu tiên để thuận tiện cho việc tuyển dụng, như thế cũng phục vụ cho một mục đích nào đó.

Nói chung, việc tuyển dụng dưới tiêu chí quan hệ ruột thịt có thể có những tác động không tốt đến năng lực của cán bộ nhân viên. Bởi những người giỏi nếu không nằm trong thành phần ưu tiên thì lại không được tuyển chọn, trong khi nhữngnhân viên có năng lực kém hơn mà lại nằm trong thành phần ưu tiên thì lại được tuyển dụng.

- Trong khi có ngân hàng phải công khai đủ chế độ hấp dẫn để “hút” người tài giỏi về thì ngân hàng Agribank lại chọn ưu tiên con cán bộ trong ngành, liệu điều này có ảnh hưởng đến chất lược dịch vụ và sức cạnh tranh của chính ngân hàng này trên thị trường?

Khó có thể xác định được điều này có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các ngân hàng. Các ngân hàng cạnh tranh với nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thương hiệu, lãi suất, khuyến mãi…

Nhưng với những sai phạm của một số cán bộ của Agribank thời gian qua cũng làm cho mọi người lo lắng, với chính sách tuyển dụng ưu tiên con cán bộ liệu rằng có đóng góp trong vấn đề có những cán bộ cấu kết với nhau để đưa đến những sai phạm hay không?

Về phía khách hàng, việc tuyển dụng mang tính ưu đãi có thể không được nhìn nhận tích cực cho ngân hàng. Còn liệu có giảm sự cạnh tranh của ngân hàng hay không thì có lẽ khó xác định được điều này.

Ngân hàng nên có chính sách tuyển dụng công khai, minh bạch, đưa tiêu chí mang tính khách quan, áp dụng đồng đều cho tất cả các ứng viên. Ngoài việc tuyển dụng, ngân hàng cũng cần có chương trình đào tạo huấn luyện sâu cho các cán bộ nhân viên nhằm tăng năng lực của họ.

Nhiều ngân hàng trên thế giới, những vị trí tuyển dụng cần có học lực cao thì họ thường vào các trường đại học để quảng cáo chương trình tuyển dụng của ngân hàng mình để có thể phỏng vấn những sinh viên sắp ra trường hoặc đã ra trường để có thể thu nhận được những nhân tài từ đại học. Ở nước ta cũng đã có ngân hàng áp dụng việc này, nhưng tôi cho rằng việc tuyển dụng cần phải minh bạch có hệ thống, không nên chỉ nhắm vào những người có kinh nghiệm.

Với một cán bộ nhân viên ngân hàng, tùy vị trí thì kinh nghiệm luôn là tiêu chí hàng đầu, rồi đến học lực và đặc biệt là tư cách con người. Ngành ngân hàng có rất nhiều cám dỗ về mặt tiền bạc, nếu một người không trung thực hoặc không nghiêm túc trong quá trình xử lý đồng tiền thì có thể đây là môi trường dễ bị cám dỗ, dễ đưa vào những hành động sai phạm để lấy tiền của ngân hàng.

- Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, ông có suy nghĩ gì về cách tuyển dụng nhân sự của Ngân hàng Agribank?

Tôi cho rằng, cách tuyển dụng đưa ra ưu tiên con cán bộ trong ngân hàng được cộng thêm điểm là chính sách tuyển dụng không phù hợp với thông lệ trong ngành ngân hàng.

Một ngân hàng yêu cầu cán bộ nhân viên giới thiệu ứng viên là điều bình thường, nhiều ngân hàng muốn giảm chi phí tuyển dụng thì thường họ yêu cầu cán bộ nhân viên giới thiệu người quen của mình. Có ngân hàng có cả chính sách thưởng cho việc giới thiệu đó nếu có ứng viên giới thiệu được quyết định tuyển dụng.

Việc làm này có nhiều cái lợi, nhất là giảm chi phí tuyển dụng của các ngân hàng, lợi nữa là người giới thiệu cũng đã biết rõ kinh nghiệm, lý lịch của ứng viên…

Tuy nhiên, khi ứng viên nào được giới thiệu thì những đơn vị xét đơn tuyển dụng họ sẽ dùng chỉ tiêu áp dụng đồng đều, công bằng cho tất cả mọi người, không có ưu tiên.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Lê (thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên