MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ai cũng muốn nghe Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn"

03-06-2015 - 14:32 PM | Xã hội

Theo thông lệ, Thủ tướng chỉ trực tiếp trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm

Như chúng tôi đã đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức đề xuất 5 vị bộ trưởng để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 vị trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9.

Tại văn bản gửi đến các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sau khi chất vấn các bộ trưởng, sẽ dành ½ ngày để Thủ tướng (hoặc phó thủ tướng được Thủ tướng phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo thông lệ, Thủ tướng chỉ trực tiếp trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, còn giữa năm ông thường phân công một phó thủ tướng đăng đàn.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu cho rằng, không chỉ đại biểu Quốc hội mà cử tri cũng rất muốn được nghe người đứng đầu Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp ở tất cả các kỳ họp Quốc hội.

Người đứng đầu sẽ thuyết phục hơn

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, theo mong muốn của cử tri và nhiều đại biểu thì nói chung tại các kỳ họp người đứng đầu Chính phủ nên trực tiếp báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và trực tiếp trả lời chất vấn.

Tất nhiên tùy nội dung và công việc Thủ tướng có thể phân công phó thủ tướng nhưng mong muốn chung vẫn là người đứng đầu trực tiếp trả lời, đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Vẫn theo đại biểu Hùng thì kỳ họp này bàn nhiều nội dung quan trọng, trong xây dựng pháp luật thì có các dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, rồi xem xét dự án lớn như sân bay Long Thành. Bởi vậy, nếu Thủ tướng trực tiếp chất vấn thì chắc sẽ đáp ứng tốt hơn mong muốn của cử tri và đại biểu.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn quả quyết, không riêng đại biểu mà cử tri cũng muốn Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm cao nhất về hành chính quốc gia - trực tiếp đăng đàn.

“Ai cũng muốn nghe Thủ tướng trả lời nhưng còn tùy thuộc vào sự thống nhất của ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thủ tướng”, đại biểu Sơn nói.

“Dân mình đều muốn người nghe người cao nhất trả lời nhưng cũng thông cảm cho Thủ tướng vì nhiều việc quá”, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói.

Không gian lựa chọn đã rộng hơn

Liên quan đến quy trình chọn người chất vấn, đã có một thay đổi nho nhỏ được đại biểu ghi nhận. Đó là phiếu xin ý kiến về dự kiến danh sách người trả lời chất vấn đã được thiết kế thêm phần ý kiến khác (nếu có).

Có tới 5- 6 dòng trống để ghi ý kiến khác, tức là không gian để đại biểu lựa chọn đã rộng hơn chứ không chỉ là danh sách 5 vị đã dự kiến sẵn, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận xét.

Dù có trong danh sách được đề xuất song Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân có vẻ lại thêm một lần không được nhiều vị đại biểu lựa chọn trả lời chất vấn trực tiếp.

Tôi không chọn Bộ trưởng Nguyễn Quân và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mà đề xuất hai vị Bộ trưởng Y tế và Tài nguyên – Môi trường, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng không “chấm” Bộ trưởng Nguyễn Quân mà đề xuất thêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào danh sách lên “ghế nóng”.

Nhận xét là cả 5 vị trong danh sách đề xuất đều có vấn đề cần chất vấn, song đại biểu Phùng Khắc Đăng cho rằng cử tri rất quan tâm đến lĩnh vực nóng bỏng như giao thông, phòng chống tội phạm. Vì thế ông muốn chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Công an.

Hiện nay giao thông có vấn đề rất mới là nhượng quyền khai thác sân bay mà các sân bay đều gắn với an ninh quốc phòng, lại đều được đầu tư từ vốn nhà nước, bây giờ nhượng quyền như thế thì cũng có nhiều lo ngại là sẽ chuyển sang tư nhân hóa hết, đại biểu Đăng chia sẻ.

Theo ông, dù Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giải thích về việc này, nhưng có vẻ hồi âm của Bộ trưởng và chất vấn của đại biểu còn chưa “gặp” nhau.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên