MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất thường trung tâm đăng kiểm giữa nội đô

21-12-2015 - 11:40 AM | Xã hội

Triển khai chủ trương của Bộ GTVT về việc xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm, UBND tỉnh Nam Định đã cấp phép đầu tư cho hai đơn vị đăng kiểm tư nhân. Tuy nhiên, khi các trung tâm tư nhân được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động thì lại bị “lật kèo”.

Sở GTVT Nam Định không thực hiện đúng cam kết di dời trạm đăng kiểm của nhà nước theo đúng quy hoạch mà cơ quan này đã tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh.

Nói một đằng làm một nẻo

Tháng 10/2013, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định 1717 phê duyệt quy hoạch các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo bản quy hoạch này, trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ có 3 trung tâm đăng kiểm nằm tại các vị trí: Ven QL10 thuộc xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc; Km150+800 trên QL21 (đường Lê Đức Thọ), xã Nghĩa An, huyện Nam Trực và tại Km180+740 QL21, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu (cạnh bến xe Yên Định).

Trước đó, tại Quyết định 1531 năm 2012 về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định cũng xác định di chuyển Trung tâm đăng kiểm 1801S thuộc quản lý của Sở GTVT ra vị trí quy hoạch tại xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc.

Căn cứ vào quy hoạch cùng với cam kết của địa phương là sẽ di dời trung tâm đăng kiểm của sở ra khỏi trung tâm thành phố Nam Định, nên hai doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hai trung tâm đăng kiểm tại các vị trí theo quy hoạch.

Tuy nhiên, khi 2 trung tâm đăng kiểm mới đi vào hoạt động và Sở GTVT Nam Định cũng đã di dời trung tâm đăng kiểm của Sở từ trung tâm Thành phố Nam Định (số 3 Quang Trung) vốn có mặt bằng hạn chế, thường gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ra vị trí mới trên QL10 thì bất ngờ ngày 16/11/2015, một dây chuyền đăng kiểm của Trung tâm 1801S lại quay về hoạt động đúng vị trí cũ, tại số 3 Quang Trung. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, điều này trái ngược với lời hứa của Sở GTVT trước đây khi cho biết, sẽ di dời toàn bộ trung tâm này ra vị trí mới.

Theo một người dân, do trung tâm đăng kiểm nằm ngay sát ngã ba đường trung tâm nên việc tái hoạt động tại trung tâm này khiến giao thông tiếp tục bị ảnh hưởng.

Chưa có tiền để di dời?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết, chủ trương di dời trung tâm đăng kiểm ra khỏi nội đô là nhất quán, tuy nhiên sau khi di dời một dây chuyền thì trung tâm của sở gặp khó khăn về kinh phí nên để lại một dây chuyền kiểm định xe con hoạt động tiếp nhằm tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Một lý do nữa ông Hùng đưa ra là để giữ đất công và phục vụ nhu cầu của người dân, đỡ phải di chuyển ra ngoài.

Chỉ cần nhìn bề ngoài của trung tâm cũ này đã thấy sự tạm bợ, tận dụng. Xưởng đăng kiểm có duy nhất một dây chuyền nằm lọt thỏm trong một dãy nhà cũ nát, trước đây là bến xe của thành phố Nam Định. Điều đáng nói là nếu xét về các tiêu chí, điều kiện của một trung tâm đăng kiểm theo quy định của Thông tư số 11/2009/TT-BGTVT thì trung tâm đăng kiểm tại địa điểm số 3 Quang Trung đang thiếu rất nhiều yếu tố.

Theo quy định, diện tích tối thiểu của xưởng kiểm tra có một dây chuyền để kiểm tra loại xe có tải trọng trục đến 2.000 kg là 180 m2, diện tích tối đa nhà văn phòng tối thiểu là 90m2 hay diện tích bãi đỗ xe, đường ra vào kiểm định của trung tâm có một dây chuyền tối thiểu bằng 5,5 lần diện tích tối thiểu của xưởng kiểm tra tương ứng… Đối chiếu tất cả những tiêu chuẩn về diện tích như trên thì trung tâm này khó đáp ứng yêu cầu.

Có lẽ cũng chính vì sự xập xệ, tạm bợ và thiếu rất nhiều tiêu chuẩn đối với một trung tâm đăng kiểm nên Sở GTVT Nam Định mới muốn “hợp thức hóa” dây chuyền cũ này với danh nghĩa “Chi nhánh đăng kiểm số 1” chứ không phải là một trung tâm đăng kiểm hoàn chỉnh nhưng lại xin có con dấu riêng.

Trong các văn bản của Cục Đăng kiểm và tỉnh Nam Định, trên địa bàn chỉ có 3 trung tâm đăng kiểm là: 1801S, 1802D và 1803D. Tuy nhiên, tại Giấy chứng nhận hoạt động xe cơ giới cấp cho chi nhánh tại số 3 đường Quang Trung lại có một tên mới là: 1802S.

Nhận được phản ánh có dấu hiệu bất thường trong thực hiện quy hoạch của Sở GTVT tỉnh Nam Định, ngày 11/12, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cử cán bộ về làm việc với địa phương này. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) - đơn vị có chức năng giám sát thực hiện quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn các trung tâm đăng kiểm, cho biết Sở GTVT Nam Định tiếp tục hứa sẽ di chuyển nhưng chưa có lộ trình cụ thể nên Cục yêu cầu phải xác định rõ thời điểm di dời theo quy hoạch. Lý giải việc cấp một tên mới là 1802S, ông Hệ cho rằng Nam Định chỉ có 3 trung tâm đăng kiểm nhưng việc cấp thêm một mã số mới là để tiện cho việc quản lý.

Dư luận đặt câu hỏi, sự bất nhất về cơ chế, chính sách trong công tác xã hội hóa đầu tư trung tâm đăng kiểm như tại Nam Định liệu có gây mất niềm tin đối với các nhà đầu tư. Hơn thế, với một dây chuyền đăng kiểm tạm bợ, đã dừng hoạt động rồi lại được khôi phục thì liệu công tác đăng kiểm có đảm bảo?

 

 

PV

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên