MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Hà Nội: Tôi nghe có chuyện ăn chia, khai khống

26-06-2014 - 17:22 PM | Xã hội

Tại Hội nghị giao ban về công tác xử lý rác thải và vệ sinh môi trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu phải phân cấp quản lý mạnh hơn nữa, tăng cường kiểm soát ngăn chặn tiêu cực.

Đường phân cấp, nắp cống lại chưa!

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, hiện khối lượng lớn rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn không được phân loại tại nguồn và chủ yếu được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp.

Việc triển khai xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các huyện, các xã triển khai chậm. Đơn giá thanh toán, quy trình định mức cho công tác thu gom vận chuyển rác thải còn thiếu thống nhất, thiếu khoa học và chưa thu hút được các đơn vị xã hội hóa tham gia.

Năm 2013, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày; khu vực ngoại thành ước khoảng 2.220 tấn/ngày. Lượng rác thải công nghiệp trên địa bàn phát sinh khoảng 750 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8 tấn/ngày, trong đó có khoảng 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và các khu xử lý tập trung.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Lê Anh Quân cho rằng, cần phải phân cấp toàn diện hoạt động này cho quận, huyện; đề nghị các sở, ngành rà soát, điều chỉnh bổ sung một số định mức mới trong thu gom xử lý rác thải cho phù hợp thực tế.

“Thành phố cần có chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, bởi hiện nay các chủ đầu tư chậm hoặc không thực hiện đầu tư công trình xử lý nước thải theo cam kết”, ông Quân kiến nghị.

Theo Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, việc triển khai xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các huyện, các xã triển khai chậm nên phát sinh tình trạng ùn ứ rác. “Việc mất nắp hố ga, hay việc thay bóng đèn chiếu sáng khi hỏi thì anh em bảo việc này chưa phân cấp, việc kia của thành phố. Đường phân cấp rồi mà nắp cống lại chưa phân cấp”, ông Hải nói.

Xem xét xóa bỏ cơ chế xin-cho

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, công tác quản lý VSMT còn nhiều bất cập, đặc biệt cơ chế xin-cho, đặt hàng thay vì đấu thầu của các đơn vị làm dịch vụ công ích.

Theo ông Hoạt, mỗi năm Hà Nội chi khoảng 4.000 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh và thoát nước đô thị.Chủ trương là khuyến khích đấu thầu, chào giá cạnh tranh và chỉ đặt hàng ở những nơi không thể thực hiện đấu thầu được. Tuy nhiên, phương thức đặt hàng vẫn là chủ yếu, hầu hết kinh phí ngân sách đều đang thực hiện theo phương thức đặt hàng. Ông Hoạt đề nghị sớm đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại; thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhất trí cao với kiến nghị của các quận, huyện là phải phân cấp quản lý mạnh hơn nữa; tạo cơ chế chính sách hợp lý để thu hút các nguồn lực cùng tham gia đầu tư.

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố sớm xem xét điều chỉnh nâng mức thu phí VSMT của các hộ dân cho phù hợp thực tế, tăng mức xử phạt vi phạm về môi trường.

“Kiến nghị giám sát vừa rồi của HĐND thành phố là rất xác đáng. Cần phải xem là xung quanh đơn giá hiện nay đã phù hợp chưa. Xung quanh việc xác định khối lượng rác thải liệu có chuyện thỏa thuận ăn chia, khai khống số lượng không?

Tôi nghe nói là có! Ví dụ như chuyện ghi đầu xe, nếu hai bên mà thỏa thuận với nhau thì không biết là ai sẽ kiểm tra việc này, liệu có phương tiện gì kiểm tra không? Cái này khả năng là có. Rồi từ đấu thầu lại chuyển sang chỉ định thầu, rồi lại cơ chế xin-cho sách nhiễu…”, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

>>>Xử tham nhũng: Tránh vị nể

Theo Minh Tuấn - Tú Anh

cucpth

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên