MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Quảng Ninh: Xin mãi, ngân sách đâu mà chi

22-07-2014 - 11:28 AM | Xã hội

Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu ra soát lại tổng chi ngân sách trong các sở, ngành không để tình trạng thích chi thế nào thì chi...

Đòi nữa, lấy đâu mà chi!

Tại phiên họp HĐND Quảng Ninh khóa 12, diễn ra trong hai ngày 14-16/7, câu chuyện đòi tăng chi ngân sách của các sở ngành đã khiến Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính thẳng thắn phản bác.

Tờ Thanh Niên dẫn dắt câu chuyện từ ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện, đề nghị Sở Tài chính không được cắt giảm dự toán chi ngân sách cho y tế. Theo lập luận của vị giám đốc này đầu tư cho y tế là đầu tư cho “nhân đạo”.

Một số ý kiến khác thì băn khoăn trước việc nếu thực hiện đề án tinh giản bộ máy, biên chế trong ngành giáo dục thì cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, theo ông Chính, hai ngành giáo dục, y tế đã và đang luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất của toàn tỉnh.

“Từ năm 2011 đến giờ, và đặc biệt là năm 2013, chúng ta luôn dành đến gần 50% tổng chi ngân sách tỉnh, trong đó, giáo dục là 35-40%, y tế là từ 9-10%, tương đương 4,5 ngàn tỉ đồng. Giờ mà các đồng chí tiếp tục đòi nữa thì lấy đâu ra mà chi cho những cái khác?”, ông Chính đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Chính, ngân sách đang bị hai ngành trên đầu tư “lệch”, khi tập trung quá nhiều vào xây dựng cơ bản mà lại chi quá ít cho con người .

“Không biết anh Diện có biết việc này không? Nhưng tôi biết có trạm xá được trang bị máy làm răng, rồi cả máy xét nghiệm máu. Ở đó có được một bác sĩ nhưng không biết sử dụng những thiết bị này nên máy đắp chiếu nằm đấy. Các đồng chí có thể đến kiểm tra, nếu đúng thì thu hồi lại!”, ông Chính thẳng thắn.

Về lĩnh vực giáo dục, Bí thư tỉnh ủy cũng chỉ ra điểm bất hợp lý tương tự: tại những vùng giáp ranh, có khi hai xã cùng có trường học cùng cấp áp lưng vào nhau. “Nguyên do là việc xây điểm trường chỉ căn cứ vào địa giới hành chính, cho có, cho đủ, chứ ko căn cứ vào nhu cầu thực tế của người học”, ông Chính nói.

Ông Chính thẳng thắn đề nghị phải rà soát lại tổng chi tiêu ngân sách của hai ngành này, không thể để tình trạng muốn chi tiêu thế nào thì chi.

“Thời gian tới y tế và giáo dục phải đi đầu trong việc áp dụng ba mô hình quản lý - lãnh đạo: Lãnh đạo công - Quản trị tư, Đầu tư công - Quản lý tư và Đầu tư tư - Sử dụng công. Nên không thể cứ ỷ lại, trông chờ mãi vào nguồn vốn bao cấp của nhà nước”, ông Chính kết luận.

“Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”

Bản thân ông Chính cũng từng phải thảng thốt kêu lên: “Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”. Phát ngôn trên xuất hiện sau khi ông đến thăm một trường cấp ba.

Sự việc được miêu tả cụ thể như sau: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đến thăm một trường cấp ba ở tỉnh. Gặp bốn nhân viên bảo vệ và bốn người lao công đang làm nhiệm vụ ngoài cổng trường, ông Chính hỏi: “Mười năm nay, các bác có bắt được kẻ trộm nào không”. Họ đồng thanh đáp: “Không ạ, ở đây an toàn lắm”.

Nghe vậy, ông băn khoăn, tình hình tốt thế thì cần gì đến ngần ấy người. Sự băn khoăn đó trở thành câu hỏi lớn ngay sau đó. Gặp người thủ thư trong thư viện của trường được xây rất khang trang nhưng không có sách, ông Chính hỏi: “Ông làm công việc gì?”. Đáp: “Tôi nhận báo và đưa lên cho hiệu trưởng”.

Ngay sau đó, bí thư tỉnh ủy gặp phụ trách văn thư, lại hỏi: “Ông làm gì?”. Được đáp: “Tôi chuyển báo lên thư viện”. Vào phòng y tế học đường, bí thư tỉnh giở sổ theo dõi thì thấy chỉ có hai học sinh khám nhức đầu trong cả năm học. Ông thốt: “Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”.

Đặc biệt, báo chí gần đây đã thông tin vềUBND phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, có 475 cán bộ; UBND thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Bí thư tỉnh ủy cho biết thêm, chỉ một xã đảo có gần 200 hộ mà có hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp. Ông cho biết, cả tỉnh bình quân 8,5 người có một người ăn lương ngân sách. Trong tổng số ngân sách chi tiêu của tỉnh khoảng 10.000 tỉ đồng/năm, có tới 60% chi thường xuyên.

Ông than: “Phần lớn ngân sách đã chi vào bộ máy hành chính hết, vậy còn đâu mà chi cho phát triển, làm sao mà dân chịu được”.

Câu chuyện ở Quảng Ninh đáng báo động, cho dù đội ngũ lãnh đạo ở địa phương luôn được biết đến trên toàn quốc về những nỗ lực không mệt mỏi nhằm cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Nội Vụ phải vội vàng xây dựng đề án tinh ginn100.000 cán bộ. Liệu Quảng Ninh có tinh giản được đội ngũ, như bí thư tỉnh ủy mong muốn? Tất cả vẫn chỉ là câu hỏi.

>>>Thu ngân sách nhà nước: Nhìn từ Quảng Ngãi

Theo Thái An

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên