Các kỷ lục "đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội đẻ ra một loạt vấn đề
Trong khi Hà Nội đang nỗ lực “trảm” nhà siêu mỏng siêu méo thì một loạt các tuyến đường đắt nhất hành tinh xuất hiện, khiến bộ mặt thủ đô ngày càng trở lên lem nhem, nhếch nhác...
- 06-06-2015‘Đường đắt nhất hành tinh’: Do quản lý kém!
- 03-06-2015Địa ốc 24h: Thêm kỷ lục về con đường đắt nhất hành tinh tại Hà Nội
- 03-06-2015Hà Nội: Lại thêm kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh”
Với mong muốn góp thêm một tiếng nói cho việc chỉnh trang không gian kiến trúc ở Hà Nội, Infonet đăng loạt bài phản ánh về những vướng mắc Hà Nội đang gặp phải trong việc “trảm” nhà siêu mỏng, siêu méo. Infonet rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc, các chuyên gia và nhà quản lý.
Có lẽ đến thời điểm này cụm từ “đường đắt nhất hành tinh” đã không còn xa lạ với nhiều người dân ở Thủ đô. Mặc dù vậy, cứ mỗi lần nhắc đến, nhiều người lại không khỏi giật mình bởi đã có thêm một số tiền lớn được đổ ra để làm một con đường mới.
Xuất hiện lần đầu tiên từ đầu những năm 2000 khi tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa được xây dựng, đến những năm gần đây, cụm từ “đường đắt nhất hành tinh” đã trở nên phổ thông với những người đang sống và làm việc ở Hà Nội.
Sau khi hoàn thành vào năm 2006, báo chí đặt cho tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa cụm từ “đường đắt nhất hành tinh” vì tuyến này chỉ dài 1,1km nhưng có tổng mức đầu tư lên tới 733 tỷ đồng, trung bình 700 triệu đồng/mét đường.
Tuy nhiên, kỷ lục này đã bị xô đổ vào năm 2013 khi đoạn nối dài của tuyến đường trên là Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được thông xe và đưa vào sử dụng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, tuyến đường này chỉ dài 547m nhưng ngốn mất khoản kinh phí lên tới 810 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ đồng mỗi mét, trong đó 2/3 kinh phí dùng để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sau tuyến đường trên, đầu năm 2015, Hà Nội đã thông xe và đưa vào sử dụng con đường có kinh phí “khủng” hơn tất cả các con đường đã được xác lập "kỷ lục đắt nhất" trước đó.
Chỉ dài có 565m nhưng để làm được con đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài như hiện nay, Hà Nội đã phải bỏ ra khoản kinh phí đầu tư 696 tỷ đồng, trung bình 1,7 tỷ đồng/mét.
Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là kỷ lục cuối cùng được xác lập. Hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ.
Đoạn đường dài 697m, rộng 50m, tổng mức đầu tư 1.767 tỷ đồng và được dự kiến xây dựng trong 3 năm từ 2015 đến 2018. Trong quá trình thực hiện dự án, hơn 640 gia đình sẽ bị thu hồi đất, nhu cầu tái định cư trên 500 căn hộ. Chi phí giải phóng mặt bằng hết 1.587 tỷ đồng.
Với thông tin vừa công bố, dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ sẽ lập kỷ lục mới khi chi phí làm một mét đường lên tới 2,5 tỷ đồng.
Rõ ràng trong tình trạng dân số Hà Nội không ngừng gia tăng như hiện nay (khoảng 200.000 người mỗi năm), việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mở mang đường sá là cần thiết.
Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối hiện nay là, do thiếu quy hoạch hai bên tuyến phố cho nên sau khi mỗi con đường “đắt nhất hành tinh” ra đời lại kéo theo sau nó một loạt hệ lụy: mặt phố ngày càng trở nên lem nhem, nhếch nhác và ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nếu có dịp đi qua những con đường mang tên “đắt nhất hành tinh” hiện nay ở Hà Nội ai ai cũng cảm thấy “nhức mắt” với những ngôi nhà, bức tường phá dở nhếch nhác chềnh ềnh ngay trước mặt phố. Cùng với đó là hàng loạt những ngôi nhà siêu dị kỳ được mọc lên, phá vỡ cảnh quan hè phố.
Trao đổi về những tuyến đường đắt nhất hành tinh này, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, việc thành phố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những quãng đường dài khoảng 1km là sự lãng phí.
Theo ông, sở dĩ có sự lãng phí trên là sau khi nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng làm đường nhưng giá đất hai bên đường tăng lên thì Nhà nước lại không thu được lợi nhuận gì từ giá trị này. Điều này sẽ tạo sự bất công giữa hộ bị thu hồi hoàn toàn đất và những hộ bỗng nhiên được ra mặt đường.
“Ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... người ta đã dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị. Với những người mất hoàn toàn đất được bố trí tái định cư tại chỗ. Người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường”, vị chuyên gia này nói.
Infonet