MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư: Phong bì, quá tải, lách luật... càng bức bối hơn?

22-02-2016 - 15:51 PM | Xã hội

Dự thảo nghị định mới của Bộ Y tế quy định từ 1/7/2016, bác sĩ làm tại Bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân đang gây ra nhiều tranh cãi.

Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP, hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, tại Chấm 5, Điều 14, Mục 3, dự thảo nghị định trên nêu rõ: Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Ngay sau khi đưa ra, dự thảo này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Đối với người dân, nhiều người cho rằng, họ sẵn sàng chi trả một mức tiền cao hơn để được khám bệnh ngoài giờ ở phòng khám tư nhân, lựa chọn bác sĩ giỏi theo yêu cầu của mình.

Nếu áp dụng quy định này, họ sẽ phải vào bệnh viện công để khám, dẫn đến tình trạng bệnh viện thêm quá tải. Từ đó, sẽ nảy sinh càng nhiều tiêu cực hơn.

Ngay cả những bác sĩ trong ngành cũng lo ngại. Hiện tại, lương bác sĩ ở bệnh viện công rất thấp. Nếu không có phòng mạch tư, có thể một số bác sĩ yêu cầu bệnh nhân đến nhà để đưa tiền bồi dưỡng, hoặc điều này sẽ diễn ra nhiều hơn đề bù lại khoản thu nhập từ phòng mạch, ai có thể kiểm soát được điều này?

Bác sĩ Phạm Đình Tuần – Khoa Nội Trung tâm Y tế lao động Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, thực tế, quy định trên của Bộ Y tế không quá chặt chẽ như nhiều người nói. Bởi vì nếu đồng ý cho bác sĩ vừa mở cửa phòng khám tư, vừa làm ở nhà nước thì công việc không được đảm bảo.

Bác sĩ Tuần cho hay, theo quy định, bác sĩ được làm thêm ở ngoài giờ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, để đứng tên mở phòng khám, bác sĩ sẽ phải tập trung toàn bộ thời gian, 24/24 cho công việc ở phòng khám tư.

Điều đó có nghĩa là một bác sĩ không thể tập trung làm tốt cả bệnh viện công và bệnh viện tư cùng một lúc. "Vì sẽ có trường hợp, khi bác sĩ đang mổ ở bệnh viện công mà phòng khám tư xuất hiện bệnh nhân gặp tai biến yêu cầu bác sĩ phải có mặt để chỉ đạo chuyên môn", bác sĩ Tuần chia sẻ.

Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng thừa nhận rằng, không thể tránh tiêu cực xảy ra như tình trạng quá tải bệnh viện, bác sĩ "làm tiền" hay lách luật để được mở phòng khám tư...

Theo ông Tuần, nếu như ở các bệnh viện của Mỹ, một buổi sáng bác sĩ chỉ khám 10 bệnh nhân thì ở bệnh viện Bạch Mai, một bác sĩ phải khám 50-70 bệnh nhân trong 8 tiếng làm việc.

Hiện tại, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu điều trị. Còn chưa kể nhiều bệnh nhân tự chữa ở nhà hay tự mua thuốc.

"Nếu quy định này được áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người thay vì khám ở bệnh viện tư như trước đó sẽ chuyển vào khám ở bệnh viện công. Điều này khiến cho các bệnh viện công đã quá tải lại càng quá tải thêm.

Tâm lý bệnh nhân cần bác sĩ chứ bác sĩ không cần bệnh nhân cũng dẫn đến nhiều tiêu cực như tặng phong bì cho bác sĩ", bác sĩ Tuần khẳng định.

Ngoài ra, không thể tránh trường hợp xuất hiện tình trạng các bác sĩ giỏi ở bệnh viện công sẽ ồ ạt bỏ ra ngoài làm vì cuộc sống mưu sinh, từ đó cũng dẫn đến tình trạng nhiều người lách luật để được mở phòng khám.

"Tất nhiên, chưa thể trả lời ngay có nên áp dụng quy định này không bởi vì phải để cho thị trường đánh giá. Được hay không tự cơ chế thị trường sẽ nói lên tất cả, chúng ta cứ chờ 3-5 năm nữa sẽ biết", bác sĩ Tuần nói.

Theo An Nhiên

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên