MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có luật về trọng dụng nhân tài

22-03-2016 - 08:48 AM | Xã hội

Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - người đã từng đề xuất cần thiết phải xây dựng luật về trọng dụng nhân tài.

Dù đã có nhiều chính sách trong việc trọng dụng nhân tài, song kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn, vì sao thưa ông?

Ngoài thiếu đi một đạo luật về trọng dụng nhân tài trở thành quy định có tính chất bắt buộc, bản thân người trọng dụng nhân tài có thật tâm không? Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan luôn nói sẽ trọng dụng nhân tài, nhưng thực tế, đôi khi lại có sự đố kỵ, không mạnh dạn trao quyền khiến người tài chán nản. Ngoài ra, còn phải kể đến sự tham vọng của chính người tài. Họ luôn cho mình là người giỏi nhất. Khi không được đối xử như ý sẽ nảy sinh tâm trạng chán trường và bỏ đi.

Được biết, trước đây ông là người đã đưa ra đề xuất cần thiết phải xây dựng thành một luật về trọng dụng nhân tài. Việc này có cần thiết?

Tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII này, tôi đã đề nghị phải xây dựng một đạo luật về trọng dụng nhân tài. Nhân tài là nguyên khí quốc gia, là nguyên khí đặc biệt, nếu không khai thác sử dụng thì quốc gia thiệt thòi. Đất nước ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức, tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, đòi hỏi sự kết hợp giữa việc khai thác tài nguyên hiệu quả với việc xử lý kinh tế tri thức. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có nhân tài. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy như ở Singapore, Nhật bản, Hàn Quốc...có chính sách trọng dụng nhân tài đúng hướng, nên dù đất nước họ không giàu tài nguyên nhưng vẫn phát triển.

Vậy trước tiên chúng ta cần phải làm gì để tận dụng triệt để nhân tài?

Theo tôi, bây giờ phải đưa ra định nghĩa người tài. Và người tài không thể nói chung chung mà phải theo từng lĩnh vực, như người tài trong chính trị, người tài trong quản lý. Nhóm nữa là người tài trong lĩnh vực nghiên cứu đề xuất tham mưu… Ví dụ như người tài trong lĩnh vực khoa học viễn thông, đưa ra một giải pháp làm thay đổi toàn bộ vận hành của một cấu trúc máy móc. Hay người tài trong lĩnh vực lập pháp – người biết đưa ra sáng để tác động kịp thời với quan hệ xã hộị. Cuối cùng là người tài trong lĩnh vực thợ lành nghề.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người tài xuất hiện trên cơ sở đưa ra chính sách thu hút bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt. Người tài phải được đối xử khác với người thường, phải được ưu tiên trọng dụng. Nếu tài giỏi trong lĩnh vực chính trị tư tưởng phải đào tạo, bồi dưỡng để trở thành chính khách. Với nhóm người tài quản lý điều hành, cần đào tạo qua môi trường thực tế để họ bộc lộ năng lực quản lý điều hành. Ngoài ra cần phải có cơ chế bảo vệ người tài.

Nếu Luật Trọng dụng nhân tài được xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá thực trạng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài như thế nào, qua đó tìm ra được giải pháp cho vấn đề này.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng - Văn Kiên (thực hiện)

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên