MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp bằng lái xe số tự động ở Việt Nam: Có nên áp dụng ngay?

21-05-2015 - 10:39 AM | Xã hội

Theo nhiều chuyên gia giao thông, cấp bằng lái xe số tự động chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Dự kiến vào tháng 9 tới, Tổng Đường bộ Việt Nam sẽ sửa xong Thông tư 46. Trên cơ sở đó, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung thêm chương trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô số tự động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, cấp bằng lái xe số tự động chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây chưa phải là một biện pháp giải bài toán về an toàn giao thông hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trương sửa đổi Thông tư 46 theo hướng cấp thêm giấy phép lái xe số tự động để đa dạng hóa loại hình đào tạo, phục vụ người có nhu cầu sử dụng riêng loại xe này.  Những người muốn điều khiển ôtô số sàn và số tự động vẫn được đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng B1, B2. Nhưng người có bằng lái xe số tự động muốn chuyển sang xe số sàn thì sẽ phải học và thi lấy giấy phép. Trước chủ trương này của Bộ Giao thông Vận tải có những ý kiến quan ngại về thêm những giấy tờ, thủ tục rườm rà.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở quận Cầu Giấy nêu ý kiến: “Yêu cầu cấp bằng lái xe ô tô xe số sàn và số tự động khác nhau thì rất phiền toái. Chẳng hạn, vợ đi xe số tự động, chồng đi xe số sàn, nếu thế hai vợ chồng không đi xe của nhau. Nên có biện pháp đào tạo lẫn và cấp một bằng”.

Trên thế giới hiện có hai xu hướng, một số nước tách riêng 2 giấy phép lái xe số sàn, số tự động riêng và một số nước thì cấp gộp giấy phép lái xe cả số sàn và số tự động (như Việt Nam hiện nay). Theo chuyên gia giao thông, tiến sỹ Phạm Sanh, các nước đã phát triển đa phần là xe số tự động và mỗi người một xe ô tô, còn ở Việt Nam xe dùng chung là chính và số sàn vẫn chiếm đa số. Vì thế, việc cấp giấy phép lái xe số tự động riêng là chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Vấn đề trọng tâm là chất lượng đào tạo lái xe, khi chương trình đào tạo thực hành ít quá, đề thi toàn lý thuyết ít dạy xử lý tình huống.

Theo ông Sanh, “Tổng cục Đường bộ Việt Nam nếu đề xuất và thực hiện hai loại giấy phép lái xe số sàn và số tự động thì vẫn có người đi học nhưng phải đề phòng rủi ro, đó là chất lượng đào tạo chưa cao lại đào tạo tiếp một lái tự động với thời gian ít hơn ngắn nữa sợ rằng chất lượng xuống nữa. Với tình hình Việt Nam nên tập trung vào chất lượng đào tạo lái xe hơn là việc chia nhỏ ra các bằng lái xe. Đến một giai đoạn nào đó, thấy xe số tự động nhiều, ý thức người tham gia giao thông nâng cao, chất lượng đào tạo đảm bảo thì việc chia nhỏ các bằng lái xe phù hợp hơn.”

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng: Việc cấp thêm giấy phép lái xe số tự động sẽ gây khó cho người dân muốn lái xe số sàn, cảnh sát giao thông cũng khó kiểm tra hết. Lý giải, số vụ tai nạn do người đi xe số tự động tăng do giáo trình và việc đào tạo cấp giấy phép lái xe hiện chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo chất lượng chứ không phải do cấp loại bằng số sàn hay số tự động. Việc cấp phép lái xe số tự động thì các cơ sở đào tạo cũng phải trang bị thêm máy móc, phương tiện tốn kém.

Theo ông Liên, việc trước mắt là phải đảm bảo chương trình đào tạo truyền thống hàng trăm năm nay của ngành vận tải là số sàn, trong đó có thể bổ túc thêm một số giờ nhất định xe số tự động. “Tôi không ủng hộ việc cấp hai giấy phép lái xe như một số đề xuất. Chúng ta phải tập trung vào các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhiều hơn là việc cấp phép.”

Tai nạn giao thông nhiều chủ yếu là do ý thức người tham gia giao thông kém chứ không liên quan tới việc giấy phép lái xe số sàn hay số tự động. Số tự động là công nghệ mới, nhưng nếu bỏ qua số sàn chỉ sử dụng số tự động thì không đảm bảo an toàn.

Tại Việt Nam, đa số người dân vẫn sử dụng xe ô tô số sàn nên việc tách riêng giấy phép lái xe ô tô số sàn và số tự động cần được cân nhắc, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, quy trình đào tạo chặt chẽ hơn. Trong đó, cần điều chỉnh giờ học lái xe có sử dụng số tự động sao cho phù hợp.

 

Theo Hoài Lam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên