Chậm thu phí tự động, khó hết nhiêu khê
Giải pháp triệt để tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại trạm thu phí mỗi dịp cao điểm là hình thức thu phí tự động. Lợi ích của biện pháp thu phí này đã thấy rõ nhưng vì sao việc thực hiện vẫn ì ạch?
- 23-02-2016Thu phí rề rà: Thủ phạm gây ùn tắc giao thông
- 18-02-2016Trạm thu phí dày đặc lại tăng giá
- 15-02-2016Không thu phí thì tiếc, thu thì tắc đường
- 14-02-2016Xảy ra ùn tắc, trạm thu phí giao thông phải mở cửa miễn phí
Muốn hết ùn tắc - trông chờ thu phí không dừng
Sau đợt ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý càng khẳng định sự cần thiết của hình thức thu phí tự động. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ) cho hay: Trong cao điểm Tết, Cục đã huy động lực lượng phối hợp cùng chủ đầu tư tuyến đường BOT để chống ùn tắc tại trạm thu phí. Theo ông Lâm, dù áp dụng nhiều biện pháp như mở thêm cửa thu phí, tăng cường nhân lực nhưng tình trạng ùn ứ vẫn không thể khắc phục ngay lập tức. “Với lượng xe những ngày cao điểm, nếu không thu phí tự động không thể giải quyết triệt để ùn tắc”– ông Lâm nói.
Hiện tại, trên một số tuyến quốc lộ đã triển khai thu phí không dừng. Tuy nhiên, do phạm vi thí điểm hạn chế, số lượng chủ xe biết đến loại hình thu phí không dừng này còn ít nên chưa hiệu quả. Đơn cử, tại Trạm thu phí Dốc Xây (ranh giới giữa Thanh Hóa và Ninh Bình trên QL1A) đã bố trí làn thu phí tự động nhưng không ít chủ xe còn bỡ ngỡ. Những ngày Tết vừa qua, do lưu lượng xe quá lớn, các chủ xe dù không có thiết bị nhận diện và trả phí tự động trên xe nhưng vẫn đi vào làn thu phí không dừng; biến làn thu phí hiện đại này thành như một làn thu phí thủ công.
Bên cạnh hiệu quả chống ùn tắc giao thông, hình thức thu phí không dừng kéo theo giảm thời gian thực hiện hành trình, giảm chi phí nhiên liệu do không phải giảm tốc độ và tăng tốc qua trạm thu phí, giảm khí thải và bảo vệ môi trường… Đây cũng được coi là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, nhân lực cho khâu thu phí của các nhà đầu tư dự án đường giao thông.
Ông Trần Văn Ngọ - Vụ trưởng Tài chính (Tổng cục Đường bộ - đơn vị giám sát thu phí tại các trạm thu phí) khẳng định: Hình thức thu phí không dừng với sự hỗ trợ của máy móc sẽ hạn chế tối đa khả năng gian dối; thu nhiều, báo cáo ít của các chủ đầu tư. Tình trạng các nhân viên thu phí cố tình giữ lại vé dù người điều khiển phương tiện đã trả tiền sẽ không còn tồn tại. Từ đó, kết quả thu phí được minh bạch; thời hạn thu phí của các dự án được kiểm soát chặt chẽ.
Tháng 6 sẽ triển khai đại trà
Chủ trương thu phí không dừng đã được Bộ GTVT đưa ra từ hơn một năm nay, khi các dự án BOT trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chuẩn bị hoàn thành. Hiện tại, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo, so sánh với nhiều công nghệ khác nhau và thống nhất lựa chọn công nghệ thu phí RFID (công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến) do Hoa Kỳ phát triển, áp dụng rộng rãi trên thế giới. Bộ GTVT cũng đã áp dụng thí điểm công nghệ này tại một số trạm thu phí trên 2 quốc lộ nêu trên.
Để thúc đẩy kế hoạch này, Bộ GTVT đã công bố danh mục Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ ký ban hành quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng. Sau khi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an, tháng 5/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản đồng ý về chủ trương thực hiện dự án.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành mời thầu rộng rãi để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc lựa chọn nhà thầu đã cơ bản hoàn thành và Bộ GTVT đặt kế hoạch: Đến tháng 6/2016, tại mỗi trạm thu phí trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ có ít nhất 2 làn thu phí không dừng.
Công nghệ thu phí không dừng có chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu áp dụng hình thức thu phí không dừng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm. Các trạm thu phí tự động cũng sẽ được trang bị cân xe tự động để kiểm soát tải trọng.
Tiền Phong