MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất vấn chánh án và Sở Tài nguyên môi trường

29-07-2015 - 10:25 AM | Xã hội

​Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết 100% đại biểu HĐND TP thống nhất cần chất vấn chánh án tòa án TP lý do vì sao xét xử các vụ án dân sự chậm hiện nay chậm.

Trong ngày làm việc thứ hai, kỳ họp lần 18 HĐND TP khóa VIII diễn ra sáng nay 29-7, bà Quyết Tâm cho biết vấn đề thứ hai cũng được các đại biểu thống nhất chất vấn là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư và nguy cơ cháy nổ từ các doanh nghiệp này.

Trước phiên thảo luận tại hội trường, bà Tâm cũng gợi ý đề xuất các đại biểu tập trung vào ba nhóm vấn đề là: một là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội bền vững của TP.

“Mục tiêu đặt ra là phát triển bền vững, chúng ta có yên tâm chưa, cần tập trung những vấn đề gì; về công nghiệp hỗ trợ đã đạt được yêu cầu chưa; hiệu quả của các dự án kích cầu của TP (cả trăm dự án kích cầu hiệu quả ra sao, có vấn đề gì chưa yên tâm); rà soát các nghị quyết HĐND TP được thực hiện như thế nào như thu phí đường bộ, tại phiên thảo luận tổ có hai luồng ý kiến cần tiếp tục bàn làm sao để ra nghị quyết cho đi vào cuộc sống” - bà Tâm gợi ý.

Vấn đề thứ hai được bà Tâm gợi ý thảo luận là vấn đề mỹ quan đô thị, lấn chiếm lòng đề đường, thu gom rác. TP muốn hiện đại, văn minh, sạch đẹp cần những biện pháp mạnh mẽ hơn, vì sao quan tâm nhiều nhưng chưa chuyển biến.

“Vấn đề thứ ba là tình hình tội phạm, cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm gây ra những bất an của người dân. Thực phẩm bẩn vẫn vào TP được phát hiện, số lượng không phát hiện được vào TP thì sẽ vào đâu?”, bà Tâm đặt vấn đề.

Đại biểu tiếp tục băn khoăn chuyện thu phí

Đại biểu Trần Quang Thắng (Q.8) bày tỏ nhiều lo ngại khi triển khai thu phí xe gắn máy. Theo ông Thắng, việc thu phải dựa vào tổ dân phố. Như ở Q.8 hiện có 1.409 tổ dân phố, theo kế hoạch sẽ thu được hơn 1 tỷ đồng.

Số tiền này dự kiến trích một phần cho những người làm công tác thu, sau đó mới nộp quỹ. Nếu như mỗi tổ dân phố được trả khoảng 800.000 đồng thì hai người thu, mỗi người được 400.000 đồng.

Đó là chưa kể tiền in tem, in biên lai để quản lý, mà lẽ ra theo tôi cũng phải chia thêm một phần cho CSGT vì họ phải làm công tác kiểm tra.

“Tôi thấy như vậy thì nặng nề quá. Tôi nghĩ các đại biểu nên nêu quan điểm riêng, để kiến nghị là không nên thu, hoặc nếu thu thì về sau như thế nào”, ông Thắng nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng cho rằng chuyện thu phí xe máy thực tế quận 9 đã thu và tỷ lệ đạt được không cao, dưới 30%.

Qua ghi nhận ý kiến cử tri thì cử tri rất lo lắng, băn khoăn khi phải chịu thêm một khoản phí, chưa kể công tác hành thu sẽ rất khó khăn.

“Phân tích các thông tin và số liệu, tôi cho rằng hiệu quả của việc thu phí này không cao” - bà Tuyết nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng dành thời gian trình bày về quản lý trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, dẹp chợ tự phát, trong đó tập trung nêu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Chúng ta làm rất rầm rộ, nhưng khi các lực lượng rút về tình trạng lại y như cũ. Tôi đề nghị UBND TP nên ngồi lại với các cơ quan, xem nếu tiếp tục thực hiện thì làm thế nào, chứ không phải chỉ đi thu gom như hiện nay”, ĐB Cao Thanh Bình nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nói: “Về lấn chiếm lòng lề đường, người dân muốn đi bộ, tập thể dục rất khó, nhất là khu trung tâm, gần trường học, bệnh viện.

Dẹp như mang cóc bỏ dĩa. Những người buôn bán này hầu hết là những người nghèo, người ta ngồi khóc ròng sau khi bị tịch thu hàng hóa phương tiện. Cần cho họ vị trí hợp lý, tạo cho họ một việc làm khác thì căn cơ hơn. Nếu không, chỉ tịch thu, dẹp, thì không hiệu quả, mất thời gian”.

6 chương trình đột phá của TP là mối quan tâm của đại biểu đại biểu Lâm Thiếu Quân. Ông Quân đặt vấn đề: “Từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã nói về 6 chương trình đột phá nhưng đến giữa nhiệm ký thì “chìm xuồng”, trong kế hoạch 6 tháng cuối năm nay không thấy còn đề cập nữa. Theo tôi, cần đánh giá về 6 chương trình này, rút kinh nghiệm xem có phải do ôm đồm quá không, sắp tới nên tập trung giải quyết vấn đề gì”.

Liên quan đến các dự án “Làm đường, nhà biến thành hầm, hẻm thành suối”, đại biểu Lâm Thiếu Quân nêu ý kiến, trước khi triển khai dự án , cần có thông tin đầy đủ, thông tin trước cả năm để người dân phần nào có thể tự chuẩn bị, tự lo được một phần nào đó. Phải khảo sát mức độ ảnh hưởng, triển khai các tiểu dự án song hành để xử lý chứ không phải chạy theo xử lý chuyện đã rồi.

Theo Q.KHẢI - M.HƯƠNG - M.HOA

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên