MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi 11 tỉ USD, Sài Gòn sẽ kẹt… xe buýt

19-02-2016 - 09:40 AM | Xã hội

Nếu TP.HCM mua 157.000 xe buýt thì đường sá ở TP.HCM sẽ đặc nghẹt xe buýt.

Sau khi chúng tôi đăng bài “Chi 11 tỉ USD, Sài Gòn hết kẹt xe?” (số báo ngày 18-2), nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc “đầu tư ồ ạt” 157.000 xe buýt sẽ khiến đường sá TP.HCM tràn ngập xe buýt?

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT TP.HCM nói rằng: “Theo giả thuyết của TS Nguyễn Bách Phúc, một xe buýt cần 36 m2 để lưu thông thì khi 157.000 xe buýt cần đến 5,65 triệu m2, tức chiếm hơn 1/5 diện tích mặt đường ở TP.HCM. Khi đó, bất cứ con đường nào ở TP.HCM đều thấy một xe buýt rồi cách một khoảng trống bằng bốn ô như là một chiếc xe buýt khác”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, người dân cho rằng việc phát triển xe buýt và hạn chế xe cá nhân là cần thiết.

Không phải cứ tăng xe buýt thì dân bỏ xe máy

Với thực trạng TP hiện nay, để giảm kẹt xe bắt buộc phải hạn chế xe cá nhân và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng thực hiện theo cách cứ mở thêm tuyến, tăng số xe buýt thì người dân sẽ bỏ xe máy.

Hiện khách đi xe buýt chủ yếu là sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Đó là những người chưa có xe máy. Những người đã có xe máy rồi mà muốn họ từ bỏ để chuyển sang xe buýt là không dễ vì đi xe máy là thói quen của nhiều người.

Tuy xe buýt được trợ giá, chi phí đi lại rẻ hơn xe máy nhưng chưa hấp dẫn vì chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian do đường chật, hay ùn tắc. Ngay cả sinh viên, bình thường họ đi xe buýt nhưng khi vào những ngày thi cử thì họ đi phương tiện khác vì sợ trễ giờ.

Do vậy, trước khi phát triển xe buýt theo cách ồ ạt thì phải cải thiện chất lượng phục vụ (đổi xe mới, chấn chỉnh thái độ của tài xế…) và tính toán lại luồng tuyến hợp lý để giữ khách.

Ông LÊ HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Phải có đường ưu tiên cho xe buýt

Từ năm 2002, TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để phát triển xe buýt và giai đoạn 2005-2010 đạt được kết quả tốt. Lẽ ra giai đoạn 2010-2015, TP.HCM nên hạn chế xe cá nhân song TP chần chừ để qua cơ hội.

Hiện xe buýt tuột dốc về nhiều mặt, chất lượng phục vụ không được cải thiện... Do đó nhất thiết phải bắt đầu củng cố lại xe buýt bằng việc tập trung đầu tư phương tiện mới thay thế. Ngoài ra, TP.HCM cần có ưu tiên, đường dành riêng cho xe buýt. Đây là biện pháp sống còn của hoạt động xe buýt vì sẽ tăng tốc độ, rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người đi xe buýt.

Theo đề án của JICA (Nhật Bản), năm 2003, TP.HCM đã mở đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo B (quận 5) rồi mở rộng ra ở các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Kiệm… Sau đó nhiều công trình hạ tầng thi công, nhiều “lô cốt” xuất hiện và năm 2012, làn đường dành riêng cho xe buýt đã bị cáo chung. Nay nếu không phục hồi và mở rộng, cứ để xe buýt “bơi” trong dòng xe máy thì khách sẽ bỏ xe buýt.

Song song với phát triển xe buýt, TP.HCM phải bắt đầu từng bước hạn chế xe cá nhân. Nếu mạnh tay thì hạn chế cùng lúc ô tô lẫn xe máy. Nếu không thì hạn chế ô tô trước rồi tới xe máy.

ThS LÊ TRUNG TÍNH, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM

Thí điểm hạn chế xe cá nhân

Sớm muộn gì TP.HCM cũng phải hạn chế xe cá nhân. Vấn đề là làm sao cho thiết thực và không gây khó cho dân, nhất là người nghèo.

Việc hạn chế xe cá nhân cần được thí điểm. Nên chăng trước tiên hạn chế ở trung tâm, trong bán kính 1 km gần phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc trên một số tuyến chính như đường ở quận 1. Ở đây, xe buýt thuận tiện, an toàn, sạch sẽ cần được phát triển. Đường rộng thì dùng xe chở từ 70 đến 100 người. Đường nhỏ thì dùng xe buýt chở từ 40 đến 70 người.

Ngoài ra, các vỉa hè phải được thông suốt, đủ lớn để người đi xe buýt đi bộ đến nơi làm việc, học tập, mua sắm; đồng thời ở nơi lân cận chỗ hạn chế phải có bãi giữ xe để người dân gửi xe máy đi xe buýt.

Kỹ sư cầu đường TRẦN VĂN TƯỜNG

Tranh cãi chuyện chi 11 tỉ USD mua 157.000 xe buýt

Nhiều bạn đọc của chúng tôi gửi ý kiến đồng ý với đề xuất chi 11,2 tỉ USD mua xe buýt phủ khắp TP.HCM của TS Nguyễn Bách Phúc. Bạn đọc Thành còn mong Bộ GTVT trình Thủ tướng, Quốc hội để sớm có lộ trình hạn chế xe máy. Bạn Trần Thanh Mai đồng tình phát triển phương tiện công cộng nhưng để người dân chuộng thì phải đầu tư xe buýt, bổ sung xe điện ngầm và xe điện trên cao.

Ngược lại, phần lớn ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối. Bạn Long nói rằng có chi cả 11.000 tỉ USD cũng không thể giải quyết kẹt xe bởi lẽ nhiều công trình giao thông nhanh xuống cấp; quy hoạch xây dựng không đồng bộ. Lòng, lề đường bị lấn chiếm tràn lan và ý thức người tham gia giao thông kém.

Bạn Sĩ Hoàng tin chắc chẳng ai đi xe máy khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu nhưng giải pháp của TS Phúc chỉ đúng một phần và không thể lập tức đổi toàn bộ xe máy bằng xe buýt. Từ đó Hoàng đề nghị áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ quy hoạch đô thị; quy hoạch phương tiện giao thông nhằm định hướng cho người dân sử dụng phương tiện đi lại.

Bạn Phạm T An, Ph.D nói thêm, nếu 157.000 xe buýt cùng chạy thì đường sá không “tải” chứa nổi. Giải pháp tốt nhất mà các đô thị lớn đã làm là mở rộng các TP vệ tinh tạo ra liên thị như vùng Los Angeles (Mỹ). Ở TP.HCM có thể chọn các huyện Củ Chi, Bình Chánh hay quận Thủ Đức xây trường học, bệnh viện, nhà ở... và di dời bớt các cơ quan, trung tâm để dân “dạt” ra và kẹt xe sẽ thuyên giảm.

Ít đi xe buýt vì thiếu chủ động

Tôi đi học bằng xe buýt hằng ngày nên ủng hộ đề xuất chi 11 tỉ USD đầu tư cho xe buýt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ với thực trạng xe buýt hiện nay thì chỉ có sinh viên hoặc học sinh, nhân viên văn phòng mới ủng hộ. Nhiều người sẽ không đi vì xe buýt không chủ động bằng xe máy.

Chị VÕ NHƯ QUỲNH, 22 tuổi, sinh viên

Theo G.Nghĩa - H.Trâm - TR.Thanh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên