MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chi cho con người là chi cho đầu tư phát triển”

19-11-2014 - 12:17 PM | Xã hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, cần thực hiện tinh giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu nguồn chi ngân sách, chi cho con người là chi cho đầu tư phát triển.

Trong phiên chất vấn chiều 18/11, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về vấn đề đang “nóng” hiện nay, đó là việc tăng lương cho người lao động.

Theo Đại biểu, chính sách tiền lương của VN hiện nay có nhiều bất cập. Trong đó, một số điểm đáng chú ý là thiếu tính công bằng; chưa thật sự minh bạch; không tạo được động lực cho người lao động có trình độ có năng lực làm việc. Cảm nhận này có đúng thực tế không và vì sao có tình trạng đó? Liệu có một giải pháp như là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội đổi mới căn bản chính sách tiền lương? Và nếu có thì khi nào có thể áp dụng được?

>>> [Trực tiếp]: Chỉ có 0,46% số cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, vấn đề tiền lương là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Thực trạng tiền lương, cũng như chính sách, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang … được thực hiện từ năm 2003 đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

(i) Từ tháng 1/2003 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở); từ 210 nghìn đồng lên 1.150 nghìn đồng/ tháng; tăng 447,8%; cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục thống kê công bố là 186,8%.

Bên cạnh đó, đã hoàn thiện một bước hệ thống thang bảng lương và các chế độ phụ cấp trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa từ 1-1,78-8,5 lên 1-2,34-10.

Thực hiện đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nghĩa vụ tài chính, lao động và tiền lương.

(ii) Tuy nhiên đến nay, sau 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương hiện hành cũng phát sinh một số bất hợp lý.

Mức lương cơ sở thực hiện từ 1/7/2013 là 1.150 nghìn đồng/tháng, mới đạt 50,5% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp, dẫn đến các mức lương, ngạch, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức lương của người tốt nghiệp Đại học, tập sự khoảng 3,36 triệu đồng/tháng; Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu/tháng.

“Do vậy, đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, hệ thống thang bậc lương còn bình quân. Việc đổi mới cơ chế đối với khu vực sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra” – Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết.

Bộ trưởng chỉ ra một số nguyên nhân của thực trạng này bao gồm: Tốc độ tăng GDP thấp so với chỉ tiêu đề ra, thu ngân sách tăng chậm, trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi quốc phòng an ninh, an sinh xã hội cao dẫn đến khó bố trí nguồn cải cách tiền lương.

Bên cạnh đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng gắn với tiền lương từ ngân sách nhà nước tương đối lớn, khoảng 7 triệu người (chưa bao gồm quân đội và công an). Do mức lương còn thấp nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp dẫn đến phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Việc đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công đã được triển khai đã tác động đến đại đa số nhân dân nên cần có lộ trình hợp lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, định hướng thực hiện thời gian tới sẽ tuân theo lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực ngân sách nhà nước, đảm bảo phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn mới được hơn 1 năm nên chưa có nhiều kết quả. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1, 2 năm tới nên chưa bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra dự kiến 3 phương án điều chỉnh tiền lương năm 2015 như sau:

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu từ 1/1/2015 tăng 12% (tăng 140 nghìn đồng/tháng) thì tổng nhu cầu kinh phí tăng lên là 48 nghìn tỷ đồng.

Phương án 2: Điều chỉnh tăng 10% (tăng 115 nghìn đồng/tháng) , tổng kinh phí tăng lên là 40 nghìn tỷ đồng.

Phương án 3: Điều chỉnh tăng 8% (tăng 90 nghìn đồng/tháng) thì nhu cầu kinh phí tăng lên là 32 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, cần thực hiện các giải pháp: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh; các cơ quan đơn vị phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thu ngân sách.

Đồng thời phải thực hiện tinh giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu nguồn chi ngân sách, chi cho con người là chi cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân lực và coi đây là khâu đột phá, quyết định nguồn lực cho cải cách tiền lương.

>>>Chất vấn Bộ Nội Vụ về thi tuyển công chức, tinh giản biên chế

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên