MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí 35 triệu đồng chặt hạ 1 cây xà cừ là đúng giá quy định?

25-03-2015 - 09:23 AM | Xã hội

Tổng GĐ Công ty công viên cây xanh: "Cây có đường kính 1,2m, cao 20m thì giá đó là đúng. Vì theo đơn giá nhà nước thì chắc không sai!"

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc số cây bị thay thế, chặt hạ hiện củi, gỗ được đưa đi đâu, ông Đỗ Ngọc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, là một trong những đơn vị tham gia xã hội hóa theo đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh thời gian qua, sau khi công ty tiến hành chặt hạ trên một số tuyến phố, toàn bộ số củi, gỗ đều được đưa về kho tập kết của công ty, chờ đấu giá theo quy định.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội

Theo ông Hoàng, thành phần tham gia giám sát chặt hạ, thu hồi gồm: đại diện Xí nghiệp cắt sửa, chặt hạ cây xanh; tổ bảo vệ làm công tác giám sát; đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp; đại diện Ban quản lý dự án duy tu các công trình hạ tầng. Các đại diện trên xác định trực tiếp khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với tất cả các khúc gỗ, củi (gỗ được quy định có đường kính trung bình tối thiểu là 20cm, còn lại được xác định là củi).

Về vận chuyển lưu kho, lưu bãi: Sau khi thu hồi tiến hành vận chuyển về tập kết tại bãi gỗ của công ty, có biên bản giao nhận với thủ kho theo đúng nội dung đã thu hồi tại hiện trường. Thủ kho thống nhất ký vào biên bản giao nhận sau khi kiểm lại từng khúc gỗ, củi.

“Ngay trong nội bộ cũng có quá trình giám sát, đối chiếu ở điểm đầu là hiện trường và điểm cuối là kho. Việc chặt hạ cây và đưa củi, gỗ về bãi thực hiện khá bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, không xảy ra thất thoát”, ông Đỗ Ngọc Hoàng cho biết.

- Xin ông cho biết số lượng cây đã chặt hạ, khối lượng gỗ là bao nhiêu?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng: Hiện nay, trong kho của chúng tôi chủ yếu là gỗ cây chặt hạ từ đường Nguyễn Trãi năm 2014 và cây xanh mới bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phố Huế, Hàng Bài.

Tổng số cây Công ty đã chặt hạ, di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, Phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh là 520 cây, trong đó gỗ xà cừ là 186,932m3; gỗ khác: 31,699m3; củi: 23,425m3. Trong đó, đường Nguyễn Trãi: 294 cây (95 cây xà cừ và 72 cây loại khác; 127 cây có đường kính nhỏ dưới 20cm, không đúng chủng loại…), Phố Huế - Hàng Bài: 115 cây (5 cây xà cừ, 110 cây loại khác), đường Nguyễn Chí Thanh: 111 cây (xà cừ: 1, các loại khác: 98; cây có đường kính nhỏ không đúng chủng loại: 12 cây).

- Thưa ông, quy trình đấu giá gỗ được tiến hành như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng: Số gỗ này sẽ được tổ chức bán đấu giá theo quy định, trung bình là 1 quý 1 lần. Thường là cây sâu mục, cây khô (theo giấy phép) sau khi chặt hạ đem về kho, chúng tôi sẽ làm văn bản đến Sở Tài chính xin hướng dẫn. Sở Tài chính sẽ giới thiệu sang một công ty có chức năng thẩm định giá trị củi, gỗ.

Có giá cơ sở đó, chúng tôi đem sang công ty có chức năng đấu thầu. Sau khi đấu thầu công khai, tiền thu về công ty nộp vào ngân sách nhà nước (có khấu trừ vào kinh phí duy tu, cắt tỉa, trồng mới do Công ty thực hiện cho thành phố).

Gỗ từ cây bị chặt hạ

- 1m3 gỗ xà cừ trên đường Nguyễn Trãi có giá bao nhiêu, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng: Chúng tôi chưa tiến hành đấu giá, vẫn còn giữ nguyên gỗ trong kho.

Chi phí di chuyển một cây…35 triệu đồng?

- Có thông tin cho rằng chi phí di chuyển một cây lên tới 35 triệu đồng? Thực hư thông tin này như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, cây có đường kính 1,2m, cao 20m thì giá đó là đúng. Vì theo đơn giá nhà nước thì chắc không sai!

- Xin ông cho biết đơn vị nào mua cây vàng tâm trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh?

Ông Đỗ Ngọc Hoàng: Tính đến hiện nay, cây do nhà tài trợ mua và tự trồng.

- Số cây đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về được chăm sóc như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Hanh - Giám đốc xí nghiệp sản xuất cây xanh, cây hoa, cây cảnh: Có tất cả 128 cây (chủ yếu là cây hoa sữa) được đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm của Xí nghiệp. Cây được chuyển về được công nhân kiểm tra tình trạng xem bầu cây có bị vẹo lệch, đầu rễ có bị dập nát không sau đó tiến hành xử lý kỹ thuật để tránh khi cây được trồng bị nấm rễ, sâu bệnh. Sau khi cây phục hồi, đủ tiêu chuẩn, số cây này sẽ được tái trồng tại công viên, vườn hoa... đường phố theo quy hoạch.

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, thường những cây đánh chuyển từ đường khác về mất 2-3 năm mới tái trồng ở nơi khác được.

Ngoài số cây bị chặt hạ, tại vườn ươm của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh HN còn có 128 cây hoa sữa, bằng lăng đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về 

- Kinh phí đánh chuyển về bao nhiêu tiền, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hanh: Chúng tôi là đơn vị tiếp nhận nên không nắm được

- Tỷ lệ sống sót của những cây đánh chuyển về là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hanh: Theo những cây đánh chuyển về từ trước đến nay thì tỷ lệ sống sót đạt 70-80%.

- Dựa vào tiêu chí nào để đánh chuyển cây hoặc chặt hạ, làm gỗ?

Ông Nguyễn Xuân Hanh: Nếu cây có đường kính quá to, không có khả năng đánh chuyển thì làm gỗ. Hầu hết những cây đánh chuyển là những cây nhỏ, đường kính <35cm.

- Xin cảm ơn ông!.

>>>Hà Nội chi gần 36 triệu để chặt một cây xà cừ

Theo Kim Anh

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên