Chính phủ phê duyệt đào tạo 400 nhân lực quản lý về điện hạt nhân
Để phục vụ phát triển điện hạt nhân, Chính phủ phê duyệt kế hoạch đào tạo 400 nhân lực cho nhóm chuyên môn về quản lý Nhà nước. Nhóm nhân lực quản lý Nhà nước sẽ được đào tạo các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
- 16-10-2015Đào tạo nhân lực phát triển điện hạt nhân
- 08-10-2015Hội thảo quốc tế về phát triển nguồn vốn nhân lực
- 04-10-2015Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng thực hiện CNH, HĐH đất nước
- 30-09-2015Xây dựng nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng cho hội nhập
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1756/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm phát triển, tăng cường nguồn nhân lực quản lý Nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả, an toàn, an ninh Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.
Tại Quyết định 1756, dự án sẽ phát triển năng lực của các nhóm chuyên môn về quản lý Nhà nước phục vụ điện hạt nhân là 400 người. Trong đó có 50 người có năng lực chủ trì các nhóm chuyên môn/công việc, 100 người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và 250 người được trang bị kiến thức kỹ năng cơ sở cần thiết cho các chuyên môn/công việc. Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, dự án sẽ đào tạo 1.400 người.
Các nhân lực này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chung và chuyên sâu về điện hạt nhân tùy theo chuyên môn/công việc. Riêng nhóm nhân lực quản lý Nhà nước sẽ được đào tạo các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Nhóm nhân lực này được đào tạo thẩm định, đánh giá an toàn; cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành; thanh tra an toàn, quản lý chất lượng, quản lý môi trường và thanh sát hạt nhân; công nghệ, an toàn lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân và các lĩnh vực kỹ thuật liên quan; các nội dung quản lý và kỹ thuật cần thiết về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, quản lý chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.
Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, nội dung đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Khoa học và công nghệ hạt nhân, các lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Về hình thức và quy mô đào tạo, sẽ tổ chức bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn dưới 3 tháng và dài hạn từ 4 - 12 tháng ở trong và ngoài nước. Đào tạo ở các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu cho nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật.
Với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực như trên, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình và có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và tổ chức phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.
Trong khi đo,s Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai kế hoạch, đồng thời hướng dẫn công tác quản lý tài chính bảo đảm triển khai thực hiện Quyết định này.
Vinanet