Chủ tịch tổng liên đoàn lao động VN: Chúng tôi cũng có lỗi
Chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã thừa nhận như vậy về Luật bảo hiểm xã hội.
- 01-04-2015Chính phủ thống nhất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội
- 01-04-2015Vì sao công nhân phản đối Luật Bảo hiểm xã hội mới?
- 30-03-2015Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2015 với các đối tượng như thế nào?
- 30-01-2015Năm 2015, Bảo hiểm xã hội được tiêu trên 2/3 khoản thu
- 15-01-2015Mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Hệ lụy khó lường
Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ sửa khi chưa có hiệu lực khiến nhiều người nhớ đến những quy định “trên trời rơi xuống” trước đây khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao lại có những điều luật, quy định phi thực tế như vậy? Làm thế nào để luật đi vào cuộc sống?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Tùng (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN) và luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa xung quanh vấn đề này.
Chúng tôi cũng có lỗi vì sau khi ban soạn thảo không tiếp thu hết các góp ý, đại biểu của công đoàn đã không bảo lưu ý kiến, không thảo luận thêm trước Quốc hội
Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG
* Được biết, trong phiên chất vấn bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trước Quốc hội tháng 11-2014, ông đã đề nghị chưa thông qua Luật BHXH. Phải chăng ông đã tiên đoán được những phản ứng của người lao động khi luật được ban hành?
- Tôi yêu cầu chưa thông qua luật không chỉ vì không cho người lao động được hưởng BHXH một lần mà còn vì chưa công bằng trong chế độ hưu trí giữa hai khối trong và ngoài nhà nước.
Trước đó tháng 11-2013, tổng liên đoàn đã gửi văn bản góp ý đến ban soạn thảo Luật BHXH trên cơ sở hai cuộc hội thảo lấy ý kiến của cán bộ công đoàn các cấp ở cả hai miền Nam - Bắc. Chúng tôi góp ý cần bổ sung, sửa đổi một số điều khoản, trong đó hai nội dung quan trọng nhất là hưởng BHXH một lần và công bằng cho người lao động trong và ngoài khu vực nhà nước.
Năm 2003, 6.000 công nhân Công ty Sam Yang ở Củ Chi (TP.HCM) đình công phản ứng nghị định 01 với nội dung không cho công nhân hưởng BHXH một lần. Nghị định sau đó phải đình lại, nên sự việc xảy ra lần này không làm chúng tôi bất ngờ.
Tuy nhiên, ý kiến của tổng liên đoàn chỉ là một trong số nhiều ý kiến góp ý cho ban soạn thảo luật. Ban soạn thảo đưa ra phương án bảo lưu tiền BHXH và khuyến khích người lao động tham gia BHXH cho đến tuổi hưu là để xây dựng một chính sách xã hội tốt hơn cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Theo kết quả khảo sát, luật đã được đa số người lao động đồng tình, tuy nhiên điều 60 lại vấp phải sự phản ứng của đa số công nhân ngành dệt may, da giày... là nhóm ngành mà tôi từng nghe rất nhiều công nhân tâm sự: “Chúng tôi không thể tiếp tục làm việc này khi qua tuổi 40, giới chủ doanh nghiệp cũng không nhận công nhân ở tuổi đó bao giờ”.
Vi phạm nguyên tắc đóng hưởng của BHXH
...Thực tế hiện nay, người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các ngành thủy sản, dệt may, điện tử... một thời gian là bị suy giảm sức khỏe, bị sa thải, buộc thôi việc về quê, không thể tiếp tục tham gia quan hệ lao động để thuộc đối tượng tham gia bắt buộc.
Họ trở thành lao động tự do. Nếu không cho hưởng BHXH một lần là vi phạm nguyên tắc đóng hưởng của BHXH và khiến cho người lao động không muốn đóng BHXH.
Đề nghị giữ nguyên như hiện nay nhưng có thêm điều kiện (ví dụ: sau 2-3 năm không tiếp tục tham gia quan hệ lao động, có yêu cầu thì mới hưởng BHXH một lần), và bổ sung đối tượng người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y cũng được hưởng BHXH một lần...
(trích văn bản số 1626/TLĐ của Tổng liên đoàn Lao động VN về việc góp ý dự thảo lần 2 Luật BHXH sửa đổi ngày 1-11-2013)
* Như vậy, sự việc này lặp lại câu chuyện của năm 2003. Theo ông, tại sao ban soạn thảo lại thay đổi dù đã biết công nhân phản đối?
- Ban soạn thảo mong muốn có một chính sách an sinh xã hội lâu dài cho đại đa số người lao động. Bản thân tôi cho rằng chính sách là tốt nhưng nên để đối tượng điều chỉnh của chính sách có quyền chọn lựa.
Chúng ta đưa ra chính sách, giải thích, và cuối cùng quyết định lựa chọn nhận lương hưu từng tháng hay nhận BHXH một lần phải là của công nhân.
* Dù có sửa luật, Bộ LĐ-TB&XH vẫn bảo lưu ý kiến rằng việc bảo lưu tiền BHXH đến tuổi hưu là có lợi cho người lao động, trong khi ý kiến của đại đa số công nhân cho rằng không phải như vậy, với những con số rất cụ thể về lãi suất ngân hàng, trượt giá... Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Chính sách xã hội khác với tiền gửi ngân hàng, nếu chỉ tính đến lãi suất thì không còn là chính sách nữa, không cần tới BHXH làm gì. Nhiều người không hiểu mỗi chế độ dành cho người lao động là cả một quá trình đấu tranh của các tổ chức người lao động. BHXH là một tiến bộ của cả thế giới.
Nếu không có BHXH, người mừng trước hết là doanh nghiệp và thiệt trước hết là người lao động, vì như vậy người lao động sẽ phải lệ thuộc duy nhất vào doanh nghiệp mà không có sự hỗ trợ nào từ nhà nước, xã hội.
Với doanh nghiệp, mục tiêu trước hết là lợi nhuận. Ý nghĩa đầu tiên của BHXH chắc chắn là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, còn những câu hỏi như “lương hưu liệu có đủ sống hay không?”, “10, 20 năm nữa đồng tiền trượt giá thế nào?” thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
* Cuối cùng Luật BHXH sẽ phải sửa trong thời gian tới. Là người từng đưa kiến nghị “để công nhân được chọn lựa” lên ban soạn thảo luật nhưng rồi không được tiếp thu, ông rút ra được kinh nghiệm gì trong việc này?
- Hơn 40 năm làm công tác công đoàn, tôi vẫn chưa dám tự tin mình là người hiểu thấu những vấn đề của công nhân. Trong trường hợp cụ thể của Luật BHXH lần này, sau khi đưa văn bản góp ý, trình bày ý kiến trước Quốc hội, tôi đinh ninh rằng tổng liên đoàn đã hết sức cố gắng, làm hết khả năng để quyền lợi người lao động được đảm bảo.
Khi luật được thông qua, và xảy ra sự việc không mong muốn ở Pou Yuen, trình bày lại kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ và được sự chấp thuận, tôi lại nhận ra chúng tôi cũng có lỗi vì sau khi ban soạn thảo không tiếp thu hết các góp ý, đại biểu của công đoàn đã không bảo lưu ý kiến, không thảo luận thêm trước Quốc hội.
Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm việc này và trong các kỳ họp sau sẽ tiếp tục kiến nghị về việc điều chỉnh chế độ hưu trí phù hợp, không phân biệt đối xử giữa hai khu vực trong và ngoài nhà nước.
>>>Điều 60 Luật BHXH: Nếu lĩnh một lần về già sẽ sống ra sao?
Theo Phạm Vũ