MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa thể buộc tội cựu chủ tịch VFA

30-03-2016 - 06:06 AM | Xã hội

TAND tỉnh Kiên Giang đã trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung do chưa đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo

Trong 2 ngày 28 và 29-3, TAND tỉnh Kiên Giang đã xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu tránh nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại tỉnh Kiên Giang (KTC).

Dùng tiền tạm ứng trả nợ

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Thị Thanh Diễm (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Phong), Nguyễn Hùng Linh (nguyên Tổng Giám đốc KTC, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA), Đỗ Hiếu Liêm (phó tổng giám đốc KTC), Lê Nguyễn Hoàng Nam và Phan Văn Trinh (trưởng và phó Phòng Kế hoạch - Kinh doanh của KTC) cùng 2 cán bộ Phòng Kế hoạch - Kinh doanh của KTC là Huỳnh Vũ Anh và Âu Tấn Việt.

Theo cáo trạng, từ năm 2008, Diễm là Giám đốc Công ty TNHH Việt Phong ở huyện Cái Bè (nay là thị xã Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Do mua bán lương thực, thực phẩm bị thua lỗ nặng, mất khả năng thanh toán cho nhiều người với tổng số tiền 100 tỉ đồng, Diễm nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của KTC. Thông qua Nam, Diễm ký được 4 hợp đồng cung ứng gạo cho KTC với tổng số 11.000 tấn và được KTC cho tạm ứng hơn 65 tỉ đồng, tương đương 90% tổng giá trị hàng hóa. Thay vì mua gạo đem về giao lại cho KTC, Diễm dùng gần hết tiền tạm ứng để trả nợ, chỉ giao 2.000 tấn gạo và 1 căn nhà trị giá hơn 1,1 tỉ đồng, chiếm đoạt của KTC hơn 50 tỉ đồng.

Linh và Nam còn câu kết lập 3 công ty “sân sau” cho người thân đứng tên để ký hợp đồng với Công ty Việt Phong. Sau đó, lấy gạo của KTC ký gửi tại kho Công ty TNHH Việt Phong để xuất khẩu và thu lợi cá nhân hơn 2,4 tỉ đồng nhưng gây thiệt hại cho KTC hơn 424 triệu đồng. Nam còn nhận khoản tiền chênh lệch về giá mua, bán gạo từ Diễm là 667 triệu đồng.

Ngoài ra, cuối tháng 11-2013, KTC để xảy ra thất thoát hơn 13,4 tỉ đồng do Việt ký thủ tục giao 1.065 tấn gạo cho Công ty World Trade khi công ty này chưa thanh toán tiền theo hợp đồng (ký lệnh nhả hàng) cho đến nay.

Diễm thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình, đồng thời khai trong thời gian làm ăn chung, Nam gợi ý khi ký hợp đồng với KTC thì kê giá gạo từ 10-50 đồng/kg để cho Nam có “chi phí”. Sau khi thanh lý hợp đồng xong, Nam cho người đến lấy phần chênh lệch từ Diễm.

“Bị cáo không nhớ rõ tổng số tiền đã đưa cho Nam là bao nhiêu nhưng chỉ nhớ 1 khoản 667 triệu đồng” - Diễm khai.

Tại các phiên chất vấn, Nam chối tội và cho rằng thời điểm tham mưu cho Linh và Hiếu ký các hợp đồng thì Nam hoàn toàn không biết Công ty TNHH Việt Phong đang thua lỗ. Nam cũng khẳng định 3 công ty “sân sau” là của mình và Linh thành lập rồi cho người thân đứng tên.

Linh phủ nhận mọi cáo buộc liên quan và khẳng định không hề hay biết việc Nam thành lập 3 công ty “sân sau” và những việc làm phi pháp của Nam. Tuy nhiên, Linh thừa nhận có biết người thân của mình hùn hạp làm ăn với Nam.

Linh nói như khoe: “Trong 3 năm làm ăn với công ty của Diễm, KTC lời 430 tỉ đồng nên tiền lương, thưởng cho nhân viên trong công ty rất nhiều. Có người được thưởng lên tới vài tỉ đồng nên thấy việc làm ăn của Nam phất lên là bình thường. Nam đã lợi dụng người thân của bị cáo để tăng ảnh hưởng của mình”.

Không bỏ vốn, không nhận lương

Tại tòa, Nguyễn Hồng Vũ (cháu ruột Linh) cho biết trình độ lớp 10, làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Kiên An Phú nhưng bản thân không bỏ đồng vốn nào và cũng không đến công ty, không nhận lương mà chỉ ở nhà nuôi bà nội bệnh. Theo Nguyễn Thị Mỹ Duyên (con gái Linh), sau khi Công ty Lương thực Thuận Phát thành lập thì Duyên có tham gia vào HĐTV theo lời mời của người bạn là La Văn Tốt (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thuận Phát) chứ hoàn toàn không biết Nam và Linh có lập công ty này hay không.

Nguyễn Hiệp Anh (em vợ Nam; thành viên HĐTV Công ty TNHH Thương mại Kiên An Phú) khai khi thành lập công ty vào năm 2009, Anh đang đi học đại học. Nam đến mượn CMND và hộ khẩu để nhờ đứng tên. Khi cần ký giấy tờ gì thì Nam đem về nhà nhờ ký nên cũng không biết ai trực tiếp điều hành công ty này.

Các nhân chứng khai gần như mọi hoạt động tại 3 công ty sân sau này đều do Nam trực tiếp chỉ đạo và điều hành.

Việt không nhận tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo truy tố của viện kiểm sát mà chỉ nhận phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi theo Việt, trước khi ký lệnh nhả hàng, Việt có điện thoại cho phó phòng kế hoạch - kinh doanh. Người này nói đối tác đã chuyển tiền rồi nên Việt mới ký. Sau khi phát hiện đối tác chưa chuyển tiền, Việt báo với Nam và Nam trấn an rằng “không sao, chỉ do khách hàng chuyển chậm thôi”.

Sau gần 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Kiên Giang trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung do chưa đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo.

Có hiện tượng o ép, dụ cung?

Trả lời chất vấn, bị cáo Nguyễn Hùng Linh phản đối với những cáo buộc của viện kiểm sát và cho rằng đó chỉ là thông tin bịa đặt, mang tính một chiều do Lê Nguyễn Hoàng Nam cung cấp.

“Ngay khi bị cáo bị bắt tạm giam cũng đã thấy có hiện tượng o ép, dụ cung buộc tội từ cán bộ điều tra. Bị cáo cảm thấy hết sức bức xúc về việc không được đọc kết luận điều tra sau đó cũng như bị cáo có đề nghị phúc tra nhưng không thấy thực hiện. Bị cáo chỉ mới được tiếp xúc với bản cáo trạng trong mấy ngày trước khi tòa xét xử” - Linh bức xúc.

Theo Thốt Nốt

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên