MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị hồ sơ bảo vệ chủ quyền biển Đông

02-07-2014 - 11:54 AM | Xã hội

Để ứng phó với tình huống xấu, các bộ ngành, địa phương cần chủ động tính toán các phương án, trong đó chú trọng mở rộng,đa dạng hóa thị trường, tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại,khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Phiên họp Chính phủ mở rộng, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành cùng ba ban chỉ đạo các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong hai ngày 30-6 và 1-7 đã dành thời gian thảo luận về tình hình biển Đông, các giải pháp đấu tranh với việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta.

Không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào

Phân tích sự việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định về mặt chiến lược, Việt Nam (VN) không bị bất ngờ. Tuy nhiên, TQ gây ra việc này đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt-Trung, tác động tiêu cực tới quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên. Với VN, sự việc này tác động tiêu cực tới sự ổn định và phát triển KT-XH đất nước.

Thế nhưng xét diễn biến hiện tại cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy phải tiếp tục xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. “VN hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào” - Thủ tướng nói.

Trước những lo ngại về những rủi ro cán cân thương mại nghiêng quá nặng sang TQ, ở cả hai khía cạnh vừa là thị trường mà VN nhập khẩu lớn về máy móc thiết bị, vật tư đầu vào cho nền kinh tế, vừa là thị trường lớn mà VN xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng giải pháp đã có trong đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Để ứng phó với tình huống xấu, các bộ ngành, địa phương cần chủ động tính toán các phương án, trong đó chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại, khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường nội địa

Giải thích thêm về các tình huống xấu có thể xảy ra, tại buổi họp báo tối 1-7, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết có hai khả năng: TQ hạn chế và đóng một số cửa khẩu giao thương phía Bắc, nghiêm trọng hơn họ có thể chấm dứt quan hệ thương mại với VN. Còn tại thời điểm này, theo báo cáo của các tỉnh biên giới phía Bắc, thương mại biên giới cơ bản vẫn bình thường. Có biểu hiện một số cửa khẩu phía TQ tăng cường kiểm soát nhưng việc này trước đây từng diễn ra chứ không hẳn hoàn toàn do ảnh hưởng của vụ giàn khoan.

Về các đối sách cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chủ trương đa dạng hóa thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu đã được triển khai từ lâu. “Chúng ta đã ký tám hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều quốc gia. Hiện đang tích cực đàm phán TPP với một loạt nước trong đó có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; đang đàm phán FTA với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và FTA với EU. Hy vọng mọi việc sẽ kết thúc trong năm 2014 này” - ông Hải cho biết.

Hoạt động xúc tiến thương mại cũng đang được đẩy mạnh. Bộ Công Thương có đầu mối thương vụ ở các nước đang tích cực hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, châu Phi. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường nội địa. Điển hình là trong vụ vải năm nay, thay vì xuất khẩu 60%-70% sang TQ, nhiều khi với giá rẻ hơn cả trong nước thì tới năm nay, các tỉnh, thành phía Nam đã phối hợp với Bắc Giang, Hưng Yên đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, lên tới 60% sản lượng.

“Giải pháp thì đã có và vẫn đang làm. Nhưng sự kiện biển Đông đang là cú hích để phải làm nhanh hơn, quyết liệt hơn” - ông Hải phân tích.

Bàn về các giải pháp đấu tranh với hành động sai trái của TQ trên biển Đông, các bộ ngành, địa phương dự họp đều đồng tình, ủng hộ các biện pháp, đối sách mà Trung ương Đảng, Chính phủ đang triển khai.

Tinh thần tới đây là tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ đấu tranh hòa bình trên thực địa, đấu tranh chính trị-ngoại giao, thông tin, truyền thông trong nước-nước ngoài để thế giới thấy rõ bản chất vấn đề, hiểu được chính nghĩa VN. Qua đó kiên quyết yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi vùng biển VN.

Trong các giải pháp này, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để trung ương xem xét, cân nhắc, thực hiện đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.


>>>

Theo Nghĩa Tân

cucpth

Phapluat TPHCM/Nguồn Clip: VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên