Mặc dù chức danh “hàm” không có trong bất kỳ văn bản quy định nào của Nhà nước về công tác cán bộ, song trên thực tế, chức danh này vẫn đang tồn tại với khoảng 340 người, từ cấp Phó trưởng phòng cho đến cấp Vụ trưởng.
Trước băn khoăn của dư luận về việc bổ nhiệm cấp “hàm”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm chức danh “hàm”. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một văn bản chính thức cho vấn đề này thì một quan chứccủa Bộ Nội vụ đã nói rằng, bổ nhiệm “hàm” là cần thiết. Liệu đây có thể coi là tín hiệu để hợp lý hóa chức danh “hàm”.
Bộ máy cồng kềnh, chất lượng công chức chưa được đánh giá đúng thực tế, bổ nhiệm cấp phó quá nhiều so với quy định… Những bức xúc ấy chưa được giải quyết thì dư luận lại băn khoăn với việc bổ nhiệm hàng trăm cán bộ mang chức danh “hàm”.
Theo báo cáo chưa đầy đủ thì có 96 người hưởng chế độ “hàm vụ trưởng”, 150 người “hàm vụ phó”, 76 người “hàm trưởng phòng” và 17 người “hàm phó phòng”. Một cơ quan ở Trung ương có 20 người thì có 3 hàm Vụ trưởng, 10 hàm vụ phó… Đi kèm với đó là lương bổng, chế độ và chính sách tương đương. Điều đáng nói ở chỗ, việc bổ nhiệm này diễn ra trong khi các văn bản quy định của Nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ, không có quy định nào về “hàm”.
Ấy thế nhưng nhiều cơ quan Nhà nước đã tự ý hợp lý hóa việc bổ nhiệm bằng những quy định riêng của mình. Chẳng hạn như Quyết định 3876 năm 2010 của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm các chức danh “hàm” cấp Vụ hay Quyết định số 548 ngày 10/5/2013 về việc ban hành Quy định bổ nhiệm hàm cấp Vụ, cấp phòng của Kiểm toán Nhà nước…
Lý giải cho việc bổ nhiệm chức danh “hàm”, hầu hết các cơ quan này đều thống nhất ở mục tiêu: động viên cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong thực thi công vụ, thu hút người có trình độ… Điều này cũng khá giống với lý giải của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi cho rằng, bổ nhiệm “hàm” để đảm bảo vị thế, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc.
Đặc biệt, vị lãnh đạo này còn khẳng định, bổ nhiệm “hàm” là cần thiết vì số lượng cấp phó có hạn và nhiều người không có nhu cầu làm lãnh đạo!… Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội, khi được các đại biểu chất vấn về việc phát sinh cấp phó và cấp “hàm” đang gây áp lực lên chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận “đây là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết”.
Như vậy, việc bổ nhiệm cấp “hàm” trong khi không có quy định của Nhà nước có thể xem là cách làm “sáng tạo” hay “biến tướng”? Việc “đẻ” ra quá nhiều ghế trong bộ máy Nhà nước như cách nói của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch có làm cử tri đồng tình, ủng hộ? Cũng cần nhắc lại câu chuyện bổ nhiệm hơn 60 cán bộ cấp Vụ và tương đương ở “phút thứ 89” trước khi nghỉ hưu của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Có những đơn vị chỉ cần 1 Vụ trưởng và 2 Vụ phó nhưng ông Truyền lại đưa một loạt cán bộ lên với hàm cấp tương đương như Vụ trưởng. Theo đó, có từ 8 đến 10 người được bổ nhiệm như thế!
Một giáo sư chuyên nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật cho biết, ông chưa thấy có chức danh “hàm” ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này chỉ có ở Việt Nam. Không biết, đây có phải là cách làm “rất mới” ở Việt Nam hay không? Chỉ biết rằng, nếu các cơ quan Trung ương tiếp tục khuyến khích cách làm này thì chức danh “hàm” sẽ lan xuống các địa phương, làm cho bộ máy tiếp tục phình ra và không ngân sách nào chịu nổi.
Và trong khi chờ đợi những nghiên cứu, đề xuất của ngành Nội vụ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nếu tuyên bố rằng “bổ nhiệm hàm là cần thiết” thì phải chăng chúng ta đang muốn “hợp lý hóa” chức danh đó?.