MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có tham nhũng vặt chắc chắn có tham nhũng lớn

07-04-2014 - 16:06 PM | Xã hội

Đó là bình luận của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, đơn vị cùng với MTTQ VN và Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện khảo sát và công bố chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Kết quả PAPI năm 2013 vừa được công bố cho thấy “Tham nhũng vặt khắp nơi” (Tuổi Trẻ ngày 3-4). Ông Dinh lý giải với chúng tôi về tình trạng này.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

"Việc người VN có thói quen không tốt là không xếp hàng, chen lấn nhau rất lộn xộn thì không phải là người VN không thích xếp hàng, mà là do quản trị không tốt. Cũng là người VN, tại sao họ sang Pháp, Đức, Nhật Bản lại xếp hàng rất ngay ngắn?"

Kết quả chỉ số PAPI năm 2013 cho thấy các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Thái Bình, Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng, “đội sổ” là Bắc Giang, Lai Châu, Hà Giang... Xin hỏi ông là nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi gì từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố này, các địa phương xếp cuối bảng có bày tỏ bức xúc hay khó chịu gì không?

- Trong hai năm đầu có một số địa phương phản ứng, họ nghi ngờ về tính xác thực và cho rằng số lượng lấy mẫu nghiên cứu không lớn nên không phản ánh hết thực tế ở địa phương họ. Nhưng đến nay, đa số địa phương đã thừa nhận chỉ số này, đặc biệt đã có 22 địa phương có các chỉ đạo để cải thiện chỉ số PAPI. Có lẽ họ đã cảm nhận được tính xác thực của nó.

Có những tỉnh luôn đứng ở phía trên bảng xếp hạng như Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng có một số tỉnh luôn ở phía cuối bảng, thế thì lãnh đạo các tỉnh cũng phải tự đặt ra câu hỏi là tại sao người dân lại đánh giá bộ máy hành chính của mình như vậy?

Ví dụ Bắc Giang năm vừa rồi bị tụt xuống cuối bảng xếp hạng thì lãnh đạo MTTQ VN tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng gọi điện cho chúng tôi để tìm hiểu sâu hơn nhằm khắc phục những gì còn bất cập, còn chưa tốt trong mắt người dân.

42% người dân cho rằng vẫn phải hối lộ khi đi khám chữa bệnh ở tuyến huyện, 42% cho rằng có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước, 30% nói rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất... Ông bình luận gì về những con số này?

- Tỉ lệ trên đây chỉ tính với những người khẳng định có chuyện đó, qua trải nghiệm thực tế của họ, chúng tôi không tính đến những người không muốn trả lời câu hỏi. Tỉ lệ trên cho chúng ta thấy tham nhũng vặt là hiện tượng phổ biến. Nếu nhìn sơ qua thì có thể bình luận rằng chuyện “tham nhũng vặt khắp nơi” cũng bình thường vì nó đã trở thành chuyện hằng ngày rồi, không có gì lạ nữa.

Đi xin học cho con, đi khám bệnh, thậm chí đi xin làm công nhân... cũng phải “lót tay”. Đấy là chúng ta chỉ mới nói đến thực trạng tham nhũng vặt, như là dúi cái phong bì dăm chục để khỏi bị chích thuốc đau, còn tham nhũng ở mức phạm pháp hình sự như mua bán, chạy chọt bằng cấp, địa vị thì chưa nói đến.

Nhìn ở khía cạnh khác, PAPI cho chúng ta thấy rằng nếu tình trạng tham nhũng vặt không được cải thiện qua thời gian, không giảm rõ rệt là một câu chuyện rất lớn cần đặc biệt lưu ý. Đó là chúng ta đang ở trong trạng thái xã hội không bình thường, xã hội bị lạc đường bởi tình trạng tham nhũng vặt.

Một người học đại học ra trường có bằng giỏi và có thực lực, nếu ở xã hội bình thường thì họ sẽ được chào đón, được nhận vào làm việc ngay, nhưng ở ta có thể phải lo lót, chạy chọt, quà cáp để được nhận vào làm. Như vậy nhiều giá trị trong xã hội đã bị lệch chuẩn, sai lạc. Tài năng, đạo đức và thậm chí pháp luật không có giá trị nhiều lắm, mà có giá trị hơn lại là có thân quen, có tiền bạc. Tôi cho rằng lạc đường, lạc điệu, lệch chuẩn như vậy còn đáng sợ hơn lạc hậu.

Ông lý giải nguyên nhân của tình trạng này như thế nào, tại sao tham nhũng vặt khắp nơi và người ta coi đó là chuyện bình thường?

- Có nhiều người giải thích rằng đó là do mặt trái của kinh tế thị trường, nó phát huy đến mức mà có người từng nói “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại là tại sao nhiều nước có kinh tế thị trường trước ta mà họ lại không có tình trạng đó?

Câu trả lời của tôi là muốn có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tốt đẹp thì phải có một nền quản trị hiện đại. Chúng ta chưa có một nền quản trị tốt nên trong xã hội mới nảy sinh những chuyện như vậy, chứ không phải là người dân VN thích hối lộ.

Nhưng muốn có một nền quản trị tốt thì có rất nhiều việc phải làm, như là cải cách hành chính cho tốt, chế độ lương bổng phải đổi mới, pháp luật phải hướng mọi chuyện đến công khai, minh bạch và bình đẳng giữa mọi người... Chắc chắn những việc như vậy khó làm được trong ngày một ngày hai.

Theo ông, tham nhũng vặt và tham nhũng to, tham nhũng tiền tỉ có mối quan hệ gì với nhau? Chẳng hạn như có người đặt ra câu hỏi tại sao làm công chức nhà nước lương thấp vậy mà người ta vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” vào?

- Nếu chúng ta nhìn trên bình diện thế giới thì thấy tham nhũng lớn xuất hiện ở nhiều quốc gia, ngay cả những nước như Mỹ hay châu Âu, nhưng nó mang tính cá biệt và mức độ khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực.

Với những nơi có nền quản trị quốc gia tốt đôi khi vẫn có tham nhũng lớn nhưng không có tham nhũng vặt, hay như ở các nước Bắc Âu dường như không thấy tham nhũng lớn, cũng không có tham nhũng vặt bởi họ đã ở trình độ văn minh rất cao.

Tham nhũng lớn có rất ít ở châu Âu và lại có nhiều ở châu Phi và châu Á. Đúc kết lại thì có một điều chúng ta dễ nhận ra là ở những nơi có tham nhũng vặt thì gần như chắc chắn sẽ có tham nhũng lớn, nó gần như là một tất yếu bởi xã hội đó người ta coi như một thói quen và dễ chấp nhận.

Theo Lê Kiên

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên