Đà Nẵng chính thức khởi kiện 'nhân tài'
Ngày 30/9, tin từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD) cho hay, đơn vị đã chính thức khởi kiện nhiều nhân tài đi du học diện chính quyền cử đi nhưng không quay về phục vụ thành phố. Đợt đầu, có 7 trường hợp bị CPHUD kiện ra tòa dân sự…
- 30-09-2015"Chảy máu" chất xám ở các nước Đông Nam Á đang ngày càng tăng
- 17-09-2015Các công ty công nghệ thu hút nhân tài thế nào?
- 04-08-2015Vì sao Thạc sĩ, cử nhân có tài không mặn mà với nhà nước?
- 20-02-2015Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói về giải pháp để thu hút nhân tài
- 27-10-2014Châu Âu chảy máu chất xám
Theo đó, trong số nhiều học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), 7 người chính thức bị kiện và buộc phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng. Ngày 28/9, TAND thành phố Đà Nẵng đã mở phiên sơ thẩm, buộc 2 học viên Hồ Viết Luận (24 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Trà (29 tuổi) bồi thường tổng tiền gần 6 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, anh Hồ Viết Luận tham gia Đề án 922 với thời gian học 4 năm ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại Đại học Nottingham (Vương quốc Anh) bắt đầu từ tháng 9/2010. Tổng kinh phí anh Luận đã nhận từ ngân sách thành phố là 2,695 tỷ đồng.
Sau khi tốt nghiệp, anh Luận phải làm việc cho Đà Nẵng 7 năm liên tiếp trở lên. Nếu phá hợp đồng, anh Luận và gia đình bồi thường gấp 5 lần số tiền kinh phí của thành phố. Sau nhiều lần gửi công văn yêu cầu anh Luận và gia đình bồi hoàn tiền nhưng không có hồi âm, CPHUD đã kiện anh Luận và gia đình ra tòa.
Chị Huỳnh Thị Thanh Trà (ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Quốc tế Tây Mỹ, Mỹ), được thành phố cấp hơn 1,5 tỷ đồng để bắt đầu việc học từ tháng 2/2006. Tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2009, chị Trà xin học tiếp chương trình thạc sĩ (kinh phí tự túc) trong thời gian 2 năm và được thành phố đồng ý.
Tháng 8/2012, chị Trà gửi đơn xin phép ở lại làm việc 3 năm ở Mỹ với kinh phí tự túc. CPHUD tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình bằng cách để chị Trà và gia đình cam kết học xong 3 năm sẽ quay về Đà Nẵng làm việc nhưng không được phản hồi. Trung tâm đã yêu cầu chị Trà và gia đình bồi thường 7,7 tỷ trước 4/2014, sau đó giảm xuống còn 3,1 tỷ. Tuy nhiên, chị Trà và gia đình vẫn không phản hồi.
Theo lãnh đạo CPHUD, 5 hồ sơ khởi kiện còn lại với những tình tiết tương tự chị Trà và anh Luận. Đây là những trường hợp mà tháng 7/2013, Tiền Phong đã đề cập trong loạt bài “Đà Nẵng khởi kiện nhân tài” tạo nên sự chú ý của dư luận.
Tính đến tháng 7/5015, đã có 625 lượt người tham gia Đề án 922. Trong đó, có 397 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 234 học ở nước ngoài); 109 lượt học viên bậc sau đại học ở nước ngoài (89 bậc thạc sĩ và 20 bậc tiến sĩ), 119 học viên tham gia Đề án theo Kế hoạch đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.
Số lượng học viên tham gia Đề án 922 đã tốt nghiệp là 390 lượt người và hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 315 người (336 lượt), gồm 85 bậc sau đại học; 164 bậc đại học; 66 bác sĩ, bác sĩ nội trú. Số lượng học viên vi phạm hợp đồng hoặc xin ra khỏi Đề án là 71 người; trong đó, 42 người vi phạm hợp đồng, 29 người xin rút khỏi Đề án.
Tiền phong