MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu và cử tri gửi nhiều vấn đề tâm huyết đến Quốc hội

19-05-2015 - 22:04 PM | Xã hội

Nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc được các đại biểu Quốc hội (QH) và cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII lần này với mong muốn QH đưa ra được những quyết sách đúng đắn đối với các vấn đề “quốc kế dân sinh”.

Theo báo cáo của Đoàn ĐBQH Hà Nội, tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 9, bên cạnh một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến hoạt động của QH, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri Hà Nội quan tâm đến các hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để các DN trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thu hút người dân sử dụng hàng nội địa, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ để các DN ngoài Nhà nước hoạt động có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Về quy hoạch giao thông, đô thị, cử tri Hà Nội đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu quy định các biện pháp xử lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép theo hướng phạt tiền và lao động công ích; kiến nghị việc bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài, nhưng chưa được giải quyết, hay việc nghiên cứu thiết kế bổ sung tuyến đường từ đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai vào thị xã Phú Thọ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cầu Việt Trì mới…

ĐB Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đất đai diễn ra phổ biến, nhất là các dự án đã thu hồi đất, nhưng không triển khai dự án để đất hoang hóa gây lãng phí; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng quy định theo hướng tăng hạn mức công nhận đất ở tối đa; đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Đáy, sông Nhuệ.

Kiến nghị về vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có biện pháp quản lý chặt chẽ  để kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014-2015 thực sự hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra; nghiên cứu có các giải pháp để nâng mức hưởng chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non đã nghỉ hưu; đề nghị Bộ GD&ĐT quy định số tiết thực dạy của mỗi giáo viên bậc trung học cơ sở chỉ từ 15-16 tiết/ tuần, đồng thời sớm ban hành khung chương trình giảng dạy (chung toàn quốc và đặc thù từng địa phương)...

Về BHYT, cử tri phản ánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có các chính sách hỗ trợ để đảm bảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào cuộc sống do nhiều hộ gia đình không đủ kinh phí mua bảo hiểm y tế theo Luật.

Trong kiến nghị liên quan đến nông nghiệp và nông thôn, cử tri tiếp tục có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có định hướng cụ thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ người nông dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri tiếp tục đề nghị Đảng và Nhà nước có giải pháp mạnh hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Quy định bắt buộc mọi nguồn thu nhập của công chức phải giao dịch qua thẻ ATM để kiểm soát minh bạch thu nhập của công chức; mở rộng phạm vi công khai kê khai tài sản của người có chức vụ.

Về quốc phòng-an ninh, nội vụ và xây dựng chính quyền, đáng chú ý, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất thành lập Bộ Hải sản có chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở đó, Bộ Hải sản sẽ đầu tư xây dựng những ngư đoàn mạnh với nhiều tàu lớn, hiện đại cùng với các lực lượng hải quân, cảnh sát biển hợp đồng tác chiến bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.

Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật khá “nặng” với việc xem xét nhiều dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như Luật Trưng cầu ý dân lần đầu đưa ra QH, hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương... nên đòi hỏi các đại biểu phải tập trung cao độ, thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Cũng theo ông Chu Sơn Hà, các ĐBQH sẽ tập trung thảo luận và tham gia tất cả các chương trình của kỳ họp theo đúng chức năng của mình.

ĐB Chu Hà Sơn cho biết, tại kỳ họp này, bên cạnh việc tham gia các chương trình thảo luận các dự án luật, công tác giám sát, có một số vấn đề cần quan tâm thảo luận là vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương liên quan đến câu chuyện “được mùa, mất giá” và hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và những giải pháp để bảo đảm việc sản xuất gắn với tiêu thụ, bởi đây là vấn đề chắc chắn sẽ được đưa ra trên bàn nghị sự.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng là những nội dung quan trọng cần thảo luận tại kỳ họp.

ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhịêm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, tại kỳ họp lần này, QH sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thú y, Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đây là những luật quan trọng, việc thông qua giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.

Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là vấn đề sân bay Long Thành. Dự án sân bay Long Thành hiện ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, cử tri quan tâm thời điểm này đầu tư là thích hợp hay chưa thích hợp.

Trên thế giới, thời gian chuẩn bị càng lâu, thời gian thi công càng ngắn mới là nền kinh tế thị trường có hiệu quả, còn ngược lại thì đó là hậu quả của nền kinh tế. Do vậy, việc chuẩn bị là cần thiết.

"Chúng ta đừng lo việc đưa ra bàn thảo. Bản thân việc bàn thảo hôm nay nhằm nêu lên những vấn đề để có thời gian chuẩn bị nghiên cứu. Với dự án sân bay Long Thành, nếu có phát biểu, tôi sẽ nói chúng ta làm các bước theo luật, đặc biệt Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công", Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Về tiêu thụ nông sản, ông Kiên cho rằng đây là một vấn đề liên quan đến sự sống còn của đất nước.

Kỳ họp lần này khi bàn thảo các vấn đề kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tôi cho rằng cũng cần quan tâm đưa vào. Mặc dù chúng ta đã có nhiều nghị quyết, nhưng trách nhiệm thuộc cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất chính quyền địa phương đã không làm tròn vai với tư cách người quản lý quy hoạch.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

Đến với kỳ họp lần này, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) mang theo tâm tư của cử tri tới các vấn đề Biển Đông; hiệu lực, hiệu quả trong quá trình điều hành của Nhà nước; vấn đề tiêu thụ nông sản giá quá thấp nên người nông dân không có lãi; công tác điều hành phòng chống tham nhũng lãng phí, nói nhiều nhưng sự chuyển biến chưa được bao nhiêu.

Các ĐB mong muốn, Quốc hội tiếp tục quan tâm đến các vấn đề như: Hạn chế tình trạng oan sai, thực hiện tốt công xây dựng pháp luật, các cơ chế chính sách đối với hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, chế độ tiền lương đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản cho ngư dân vẫn còn chậm, các yêu cầu của ngân hàng đưa ra còn nhiêu khê.

ĐB Nguyễn Thái Học dẫn chứng, ngay như tại địa bàn tỉnh Phú Yên, các hộ vay được vốn từ Nghị định 67 chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Vấn đề tái định cư cho các hộ nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc đã được ĐB Học “đeo bám” tại rất nhiều kỳ họp QH, nhưng đến nay chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo khu vực này vẫn chưa được ban hành.

Vấn đề này sẽ tiếp tục được ông đưa ra trong kỳ họp thứ 9 nếu như sự phản hồi giải quyết của các bộ, ngành chưa thỏa đáng.

Theo Quỳnh Hoa-Minh Anh

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên