MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại phẫu... biên chế

24-04-2015 - 10:01 AM | Xã hội

Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lần đâu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về tinh giản biên chế, chứng tỏ tình hình biên chế trong bộ máy nhà nước đã trở thành một vấn đề bức xúc.

10 năm qua, sau 3 lần tinh giản biên chế, số lượng biên chế không những giảm mà càng phình to. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132, tính đến hết năm 2012, tổng số biên chế từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); biên chế cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm 20%.

Mục tiêu tinh giản biên chế xem như đã thất bại. Đáng nói là trong số 2,8 triệu cán bộ, công chức đang hưởng lương từ ngân sách thì “một bộ phận không nhỏ” làm việc kém hiệu quả, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Tại nghị quyết đề ra, Bộ Chính trị đã nhìn rõ thực trạng trên, đặt mục tiêu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị và kiên quyết loại bỏ công chức, cán bộ không làm được việc. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm.

Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người dân đặt rất nhiều kỳ vọng về các biện pháp, giải pháp mà nghị quyết đề ra để thực hiện thành công việc tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước. Các biện pháp, giải pháp đó là tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất; tạo điều kiện để thu dụng người có đức, có tài.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xử lý nghiêm vi phạm, nạn “chạy”, “mua” biên chế.

Kỳ vọng rằng chương trình tinh giản biên chế theo nghị quyết lần này của Bộ Chính trị sẽ như “cuộc đại phẫu” về biên chế để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

>>>Tinh giản biên chế: Kết quả còn khiêm tốn

Theo Diệp Văn Sơn

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên