MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân nghèo cõng phí chồng phí,ngành vận tải ấm ức...tăng giá

04-12-2013 - 15:53 PM | Xã hội

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Theo đó, mức thu phí đối với các phương tiện sẽ bắt đầu tăng kể từ 01/01/2014. Trước sự việc này, các hiệp hội doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ quan điểm của mình.

Gánh nặng đặt lên vai người dân

Trước việc Bộ Tài chính đưa ra Thông tư quy định mức thu phí đường bộ, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: "Thứ nhất, chúng ta không được nhầm lẫn giữa phí bảo trì đường bộ và phí đường bộ, hai loại phí này hoàn toàn khác nhau. Quỹ bảo trì đường bộ là thu tiền để sửa đường bộ, còn phí đường bộ là thu để hoàn lại tiền cho nhà đầu tư làm đường".

Theo quan điểm của ông Liên, việc nâng phí đường bộ lên 2,4 lần và có lộ trình vào năm 2014 không hợp lý, bởi vì, vừa mới tiến hành thu phí bảo trì đường bộ bây giờ lại thu thêm 1 loại phí nữa, thì làm sao dân chịu nổi?

Nhìn lại, cùng năm 2013 - 2014, đã quá nhiều loại phí gây áp lực với người sử dụng phương tiện vận tải và cuối cùng sẽ đổ lên đầu người dân chứ không ai khác.

Ông Liên nói: "Nhà nước nên tính toán cho hợp lý không nên dồn tất cả vào một thời điểm, khi đất nước suy thoái về kinh tế, thu nhập người dân sụt đi, mà nhiều loại phí chồng lên, dĩ nhiên dân sẽ nhiều nỗi khổ. Vì vậy, cần tính toán cho hợp thu nhập của người dân và có những tính toán giải pháp hợp lý để khỏi dồn dập các loại phí".

Bên cạnh đó, ông Liên cũng liệt kê ra hàng loạt những loại phí vừa qua người dân phải chịu, như phí đăng kiểm, phí đỗ xe cũng tăng, cảm tưởng người dân chịu đựng quá nhiều loại phí.
Nên chăng Nhà nước phải bàn với các nhà đầu tư lùi lại cho dân dễ thở, đỡ bức xúc. Mặc dù, bản thân các doanh nghiệp vận tải hiểu rõ, việc tăng phí này cũng chỉ vì muốn hoàn vốn nhanh cho các nhà đầu tư, nhưng không nên tăng liền nhau.

"Nếu chịu tăng phí thì chúng tôi tăng giá vé lên, bởi vì phí cầu đường tăng cao", ông Liên cảnh báo.

Theo ông Liên, xét cho cùng, phí nhà đầu tư bỏ ra cũng là thu của dân, đường cũng do dân góp, BOT nhưng cũng do dân trả chứ không phải Nhà nước. Nhưng trong hoàn cảnh đời sống khó khăn, mà lại tăng phí, nhìn vào ngành đường sắt cũng phải hủy bỏ 5 chuyến tàu vì kinh tế lỗ. Vận tải cũng vậy, cứ tăng phí nhiều doanh nghiệp vận tải không chịu được sẽ phải ngừng hoạt động.

Cũng như khi ta vay vốn để làm nhà, ta phải tra tiền vốn nhà đó lần lượt, cũng giống như đường thôi, đường mà xong từ trước thì chỉ thu phí sửa lại đường đó. Bây giờ mới thi công, các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì người sử dụng nó phải bỏ tiền ra trả vốn cho nhà đầu tư cũng đúng vì đây là công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống cầu đường, nhưng cần thời gian.

Ông cho biết: "Nói vậy chứ chúng ta không can thiệp chính sách, nhưng người dân cứ phải chịu phí thì sao dân gánh mãi được, trong khi dân khó khăn. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, nhà nước nên làm điều gì để hợp lòng dân, đồng thuận xã hội".

Phí chồng phí: Vận tải khổ một, dân khổ gấp nhiều lần

Nói về nguyên nhân Nhà nước tiến hành tăng mức thu phí đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích: "Thực ra tăng mức thu phí như vậy rất khó khăn cho vận tải, nhưng quan trọng là do áp lực vì Nhà nước không có tiền xây dựng, cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nên sau đó phải cho phép thu bao nhiêu năm, để doanh nghiệp họ hoàn vốn".

Việc tăng mức phí này, theo chia sẻ của ông Thanh thì không có gì bất ngờ: "Mức phí này đã được dự báo tăng từ năm trước rồi, sẽ áp dụng từ 2014, nhưng chúng tôi không nghĩ sẽ tăng gấp 2 - 3 lần như vậy. Cái này thực ra đối với vận tải chúng tôi không bất ngờ nhưng rất ấm ức, bởi vì khối thu rất lớn".

Theo giải thích của ông Thanh, hiện nay cơ quan quản lý mới chỉ tính toán ở mảng nhà đầu tư, mà quên đi việc đảm bảo quyền lợi của người dân.

Ông Thanh thẳng thắn: "Tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, nhưng đi trên đường có trạm thu phí BOT tôi vẫn phải đóng, đây chính là phí chồng lên phí. Trong khoản phí đó cũng có khoản phí bảo trì đường bộ, tại sao còn thu thêm, không những vậy còn tăng lên?".
Việc cần phải xem xét hiện nay phải là mức đầu tư, chất lượng công trình xây dựng của các doanh nghiệp.

Đầu tiên, phải xem mức đầu tư của các doanh nghiệp xây dựng đã phù hợp chưa, tại sao giá thành làm đường của Việt Nam cao nhất trong khu vực hiện nay, thậm chí cao hơn cả Mỹ.
Theo ông Thanh, dù Bộ đã giải thích quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng để bảo trì những con đường mà Nhà nước đầu tư, không phải BOT nhưng vấn đề ở đây là Bộ phải giám sát việc bảo trì con đường chứ không phải để tình trạng như trạm thu phí Hoàng Mai - Bãi Cháy, là nhượng quyền thu phí rồi nhưng trạm thu phí còn không sửa sang thì nói gì đến đoạn đường hàng chục km, phải đốc thúc, giám sát sao cho ứng với số tiền đã thu.

Đặc biệt, bao giờ đường làm xong thì sẽ được thu, vì dân đồng ý là muốn đi trên đường tốt thì phải trả tiền. Nhưng quan trọng là đã thu tiền của doanh nghiệp vận tải, thu tiền của dân thì đừng có để đường nát bét ra, nếu vậy sẽ không tránh được sự phản đối của dân. Cũng giống như trạm số 1, số 2 Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) chưa xây dựng xong đã tiến hành thu phí.

Trước việc tăng phí, ông Thanh cũng đưa ra lời cảnh báo: "Tăng phí thì chúng tôi sẽ tính vào giá thành vận tải, như vậy sẽ là một lượng tăng rất lớn không biết xã hội có chịu đựng được không, nhưng bắt buộc chúng tôi phải tăng.

Trong khi đó, hiện nay, giá thành vận tải của Việt Nam đã là cao nhất trong khu vực. Tôi cảnh báo trước điều này. Nói đúng ra doanh nghiệp vận tải khổ một thì dân khổ gấp nhiều lần".

Theo Thanh Huyền

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên