Gắn trách nhiệm Đội trưởng địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu kéo dài
Theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, bên cạnh việc tăng cường công tác đấu tranh vào các đường dây, ổ nhóm thì lãnh đạo Chi Cục sẽ xử lý nghiêm Đội trưởng phụ trách địa bàn nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài.
- 19-09-2015Khó chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán than lậu tại Quảng Ninh
- 15-06-2015Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu
- 15-06-2015Bộ trưởng Bộ Công an: Kiên quyết triệt xóa các ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả
- 13-06-2015Buôn lậu không thể lên đến 20 tỷ USD
- 23-05-2015Chiều nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc nói chuyện trước Quốc hội
Với hàng nghìn vụ bị xử lý mỗi năm, nhưng tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thủ đô vẫn diễn biến phức tạp.
Theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, bên cạnh việc tăng cường công tác đấu tranh vào các đường dây, ổ nhóm thì lãnh đạo Chi Cục sẽ xử lý nghiêm Đội trưởng phụ trách địa bàn nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài.
Bên lề Hội chợ triển lãm “Hàng thật, hàng giả" do Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức sáng 27/9, tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và giải pháp để kiểm soát thị trường những tháng cuối năm.
- Thưa ông, trước tình trạng hàng thật, hàng giả trên địa bàn thủ đô vẫn diễn biến hết sức phức tạp, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã có những giải pháp thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Chu Xuân Kiên: Hiện hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau.
Do vậy, để đấu tranh hiệu quả, ngoài công tác kiểm tra kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng thì rất cần sự tham gia của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó tự mình xác định đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Vì vậy, việc tuyên truyền hướng dẫn với nhiều hình thức thuận tiện cho người tiêu dùng là một giải pháp quan trọng để phòng chống hàng giả.
Hiện Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang xây dựng gian hàng “hàng thật, hàng giả” trên mạng thông tin điện tử để có thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn, đưa thông tin về hàng giả, về các đối tượng vi phạm để đông đảo người tiêu dùng biết và nói không với hàng giả.
Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội còn tổ chức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố ký cam kết không không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Đặc biệt, Chi cục thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, văn phòng đại diện của các nhãn hiệu Adidas, Nike, LV, Lacoste, Chanel,... các văn phòng luật, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Thành phố, Hiệp hội chống hàng giả Trung ương tổ chức các Hội thảo, chuyên đề về chống hàng giả.
- Còn đối với nhiều tuyến phố trọng điểm vẫn còn xuất hiện hàng giả, hàng nhái, thì những giải pháp được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Chu Xuân Kiên: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội luôn xác định công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các năm.
Ngay từ đầu năm 2015, Chi cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông, Hàng Gai, Chợ Đồng Xuân.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát vi phạm đối với các mặt hàng kính mắt, xe đạp điện, quần áo, dầy dép, túi xách, ba lô; bột ngọt, đồ chơi,... và triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra hàng giả mạo nhãn hiệu: Nike, Louis Vuiton, Addidas, Gucci, …
Đây được coi là những giải pháp mạnh trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa đối với các hành vi sản xuất kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên địa bàn.
Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2015, công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả phải e ngại khi đưa đi tiêu thụ trên địa bàn Thành phố.
Đáng chú ý, Người tiêu dùng đã nhận thức rõ hơn về tác hại của hàng giả và cách thức phân biệt hàng thật, hàng giả. Các doanh nghiệp cũng ý thức rõ nét hơn về việc cùng tham gia với lực lượng chức năng bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa và sản phẩm của doanh nghiệp mình.
- Có ý kiến cho rằng, hàng nước ngoài giả thương hiệu Việt đang diễn ra khá phổ biến, việc đấu tranh ngăn chặn đã gặp những khó khăn gì?
Ông Chu Xuân Kiên: Có thể thấy, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam khi sản xuất đã tự định vị hàng hóa của mình và việc xây dựng thương hiệu cũng cần thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm. Đây cũng là cách để lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan thực thi pháp luật kiểm soát tốt hơn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
- Một số hội chợ tại nông thôn đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vậy vai trò của lực lượng Quản lý thị trường như thế nào trong công tác đấu tranh chống loại tội phạm này?
Ông Chu Xuân Kiên: Đối với các chương trình khuyến mại, nhỏ lẻ tại vùng nông thôn, đã xuất hiện một số mặt hàng cận hạn sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng len lỏi vào bán.
Hiện lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường đã giao trách nhiệm cho đội địa bàn phối hợp với phòng kinh tế và công an các quận, huyện để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, nếu hàng hóa cùng chủng loại mà có giá rất rẻ thì cần phải lưu ý để tránh mua phải hàng giả.
- Từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có những giải pháp gì để bình ổn thị trường và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái?
Ông Chu Xuân Kiên: Theo quy luật hàng năm, 3 tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, mức luân chuyển hàng hóa sẽ tăng cao, hàng giá rẻ được tiêu thụ mạnh càng làm gia tăng tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện đang có một số lượng lớn hàng hóa giá rẻ tập kết tại khu vực biên giới, chờ điều kiện thuận lợi để buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Vì vậy, tình hình buôn lậu luôn tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp.
Trước tình hình trên, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ chủ động làm tốt công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường. Tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi, tuyến giao thông...
Trong đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào các mặt hàng như: quần áo, giầy dép, điện thoại di động, điện tử, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2016,....
Còn trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai,... cơ quan quản lý thị trường sẽ liên tục bố trí lực lượng kiểm tra, cũng như ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, tránh xảy ra những tụ điểm buôn lậu phức tạp.
Theo yêu cầu của lãnh đạo, Chi Cục sẽ gắn trách nhiệm cụ thể đối với các Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, nếu địa bàn mình phụ trách xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, kéo dài.
- Xin cảm ơn ông.
Vietnam+