MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

23-02-2016 - 20:42 PM | Xã hội

Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang “hoành hành”, gây những tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của hàng triệu hộ dân trong khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Chính vì thế, những giải pháp ngắn hạn và “tầm nhìn tương lai” đang được đặt ra và từng bước thực hiện để đảm bảo cho sản xuất ở khu vực trọng điểm này thích nghi với điều kiện bất lợi của thiên nhiên và những tác động tiêu cực của con người gây ra.

Trước những tác hại nghiêm trọng của tình hình xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đóng các đập ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ 1 tháng để tập trung ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa với 18 ngàn ha ở các địa phương trong tỉnh đã bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 13 ngàn ha bị thiệt hại 75%. Khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng sâu cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến vùng nuôi tôm của tỉnh.

Bên cạnh đó, khô hạn gay gắt, nước bốc hơi nhanh nên mức nước ngọt hiện nay dưới chân rừng tràm ở tỉnh Cà Mau đã thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 mét. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và cháy rừng tràm ở mức độ cao; gây lo ngại trong việc bảo vệ rừng tràm rộng lớn, đặc biệt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Chính phủ đã đồng ý bố trí 1.000 tỷ đồng cho các dự án phòng chống, ứng phó thiên tai. Dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua gói kinh phí 2.300 tỷ đồng phục vụ cho các dự án về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 46 công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này.

Trước nhu cầu nguồn vốn lớn để làm cống ngăn mặn trên nhiều cửa sông lớn và đặc biệt là “hạ tầng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với điều kiện mới”, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là những công trình cấp bách.

Thứ trưởng đề nghị Chính phủ sớm phân bổ, thông báo nguồn vốn 2300 tỷ và giao cho địa phương để chủ động thực hiện.

Dự báo xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2 này mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km.

Chính vì thế, việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thủy lợi sẽ góp phần rất lớn trong phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, về lâu dài, các bộ ngành trung ương và địa phương cần có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó và thích ứng bền vững với tình trạng hạn và xâm nhập mặn sẽ ngày càng khốc liệt, gay gắt hơn.

Theo Thanh Tùng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên