MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm nghèo: Túi tiền quốc gia và “chủ quyền” các bộ

17-02-2014 - 15:57 PM | Xã hội

Việc lồng ghép các chương trình giảm nghèo là rất cần thiết, nhưng các bộ trưởng vẫn ngại động chạm nên không nói thẳng

Sử dụng nguồn lực như thế nào cho hiệu quả là vấn đề đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 luôn luôn đề cập ở các buổi làm việc ở nhiều địa phương và cả ở một số bộ, trong tuần qua.

Lặn lội về tỉnh, huyện, xã, thôn xóm, đã đành. Song, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do một phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội làm trưởng đoàn lại lần lượt ngồi với các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì kể cũng hơi lạ. Nhất là nội dung giám sát lại là giảm nghèo.

Nhưng nói như Trưởng đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, giảm nghèo bản chất là vấn đề kinh tế. Và cao hơn nỗi lo về “công thức” cứ ba hộ thoát nghèo lại có một hộ tái nghèo hoặc phát sinh nghèo là câu chuyện liên quan đến hiệu quả sử dụng nguồn lực, khi túi tiền quốc gia vốn đã eo hẹp.

Và như băn khoăn của một thành viên đoàn giám sát thì “bộ nào cũng muốn khẳng định chủ quyền” với nguồn lực ít ỏi đó.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính với đoàn giám sát thì từ 2005 đến 2012 hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo khoảng 734.000 tỷ đồng (bình quân khoảng trên 90.000 tỷ đồng/năm) chiếm trên 12% tổng chi ngân sách nhà nước.

Con số này được Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp giải thích là chưa tính đến nguồn vốn tín dụng mỗi năm 20 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi và Nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng 7 - 8 nghìn tỷ đồng nữa.

“Chúng tôi làm ngân sách chúng tôi biết, đây là tiền tươi thóc thật Nhà nước đã chi cho chính sách giảm nghèo”, ông Nghiệp quả quyết trước băn khoăn về độ chênh ở con số giữa các bộ của đoàn giám sát.

Thứ trưởng Nghiệp cũng nhấn mạnh rằng, dư luận không nói là chúng ta không quan tâm đến xóa đói giảm nghèo, điều mà dư luận quan tâm là có quá nhều chính sách và phân bổ kinh phí không đủ để thực hiện.

Trong giai đoạn vừa qua có quá nhiều chính sách được ban hành trong khi nguồn lực thì ít cũng là điều được một vị cấp dưới của ông Nghiệp “than thở” với đoàn giám sát. Vị này cho rằng phải chịu trách nhiệm chính về việc “vỡ” nguồn là các bộ.

Ví dụ rất cụ thể là một chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ban đầu xây dựng một năm cần 500 - 600 tỷ đồng, khi thực hiện thì ngay năm sau đã lên tới 4.000 tỷ đồng, đành phải trình Thủ tướng cho lui lại.

Cũng liên quan đến nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê khá nhiều con số đáng chú ý. Như, trong giai đoạn 2006 – 2010 tỷ trọng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xã hội trong tổng số đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ bình quân là 39,4%, đến 2012 là 41%. Còn tổng kinh phí huy động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 cũng chiếm đến 3,08% tổng chi ngân sách, từ 2011- 2013 thì bằng 3,5%.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2005 - 2012 tổng vốn ODA ký kết riêng cho lĩnh vực giảm ghèo theo giá trị hiệp định đạt trên 3.628 triệu USD…

Khó tách bạch rạch ròi nên đòi hỏi một con số tuyệt đối chính xác về nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo là không thể. Song nỗi lo cùng sự sốt ruột của các vị đại diện cho dân không nằm ở chỗ ít tiền mà ở chỗ hiệu quả sử dụng nguồn lực vốn hạn hẹp đó.

“Các cụ ta xưa bảo phải liệu cơm gắp mắm, ai chả thương người nghèo, nhưng phải làm sao cho chính sách có hiệu quả ngay, chứ hàng chục năm trời không thực hiện hết được chính sách, cứ đầu tư rải hết năm này năm kia, lãng phí vô cùng”, Thứ trưởng Nghiệp sốt ruột.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nêu quan điểm cá nhân là hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho giảm nghèo chỉ ở mức trung bình. Ông Phương cũng lưu ý nhận xét này chỉ đang dựa vào tính toán từ nguồn ngân sách và trái phiếu chứ chưa tính nguồn qua kênh cho vay. Nếu chúng ta sử dụng nguồn lực tốt hơn thì việc giảm nghèo sẽ nhanh hơn và bền vững hơn, ông Phương thừa nhận.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực “chưa cao”, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nguyên nhân từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương chưa thường xuyên, nhất là trong xây dựng chính sách, trong việc chia sẻ thông tin thực hiện và trong kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Trong khi số lượng chính sách ban hành trong lĩnh vực giảm nghèo được bộ cho là quá nhiều với 70 văn bản.

Đây có lẽ cũng là lý do mà ở tất cả các buổi làm việc, đề nghị lồng ghép để giảm bớt chính sách, thu gọn đầu mối luôn luôn được đoàn giám sát đề cập.

Nhưng nói như Thứ trưởng Phương, việc lồng ghép nói thì dễ nhưng làm thì khó, giữa các bộ với nhau đã khó, các địa phương lân cận với nhau cũng khó. Thực chất, cái khó mà ông Phương nêu ra cũng đã không ít lần được đề cập khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chính sách xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã hơn một lần cho rằng vẫn nhìn thấy rõ biểu hiện dàn trải khi địa phương nào, bộ nào cũng muốn có dự án.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu thực tế khi được yêu cầu báo cáo về các chương trình mục tiêu thì đa số các bộ làm rất chậm và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cứ đi nhận thay trách nhiệm cho bộ khác. Nhưng có khi 1h sáng, ông còn nhận được điện thoại yêu cầu bổ sung vốn.

Vậy nên, cũng không còn là mới mẻ khi có thành viên đoàn giám sát nêu thực tế rằng dù nhận thấy việc lồng ghép các chương trình giảm nghèo là rất cần thiết, nhưng các bộ trưởng vẫn ngại động chạm nên không nói thẳng. Đấy là chưa kể dù nguồn lực rất hạn hẹp nhưng “bộ nào cũng muốn khẳng định chủ quyền”.

Bởi thế, rất dễ hiểu khi có vị đại biểu thúc giục Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên đứng ra chỉ đạo việc lồng ghép, để 70 chính sách giảm nghèo nên gọn lại còn khoảng 5 - 7 chính sách, vừa tiết kiệm cho túi tiền của quốc gia vừa đỡ làm khổ cho địa phương. Vì thực tế hiện nay, có vị chủ tịch huyện còn không thể nào mà nhớ cho đầy đủ được đang có những chương trình nào được triển khai thực hiện trên địa bàn do chính mình phụ trách...

Theo Nguyên Thảo

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên