MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao số cấp cứu 115 cho doanh nghiệp tư nhân, nên không?

10-10-2015 - 17:18 PM | Xã hội

​Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng giao số cấp cứu 115 cho một công ty tư nhân chuyên dịch vụ chuyển viện theo hợp đồng và vận chuyển cấp cứu.

Trong khi đó, nơi có chức năng cấp cứu lớn nhất tại địa phương là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng lại sử dụng một số điện thoại thường, không dễ nhớ.

Nhưng ngặt một nỗi, có những tình huống người dân gặp tai nạn, bệnh tật cần cấp cứu khẩn cấp thì gọi 115 mãi vẫn không thấy xe tới.

Chị Nguyễn Thị Hòa (P.10, TP Đà Lạt) cho biết từng gọi cấp cứu 115 cho một ca đuối nước tại hồ Mê Linh (TP Đà Lạt) vào tháng 6-2015 nhưng không thành công, chị đành phải huy động nhiều người khiêng nạn nhân ra đường đón taxi đưa đi cấp cứu.

Chức năng cấp cứu chỉ là phụ, vận chuyển bệnh là chính

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng có liên kết với hai công ty tư nhân Vận Thịnh và Khánh Lộc chuyên thực hiện chuyển viện theo yêu cầu của bệnh nhân.

Công ty Vận Thịnh có thêm chức năng vận chuyển cấp cứu do đó được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cấp quyền sử dụng độc quyền số đường dây nóng 115.

Theo thông tin từ Sở Y tế Lâm Đồng, Vận Thịnh là đơn vị có chức năng chính là kinh doanh dịch vụ vận chuyển người bệnh, chức năng cấp cứu chỉ là phụ.

Theo một bác sĩ - thành viên ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, việc cấp số điện thoại đường dây nóng 115 cho một đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân là sai nguyên tắc.

Về mặt kinh doanh, việc này tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa công ty vận chuyển dùng số thường và công ty được sử dụng độc quyền số đường dây nóng 115. Xét về mặt vận chuyển bệnh nhân trong cấp cứu sai càng nhiều.

Theo thỏa thuận giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và hai công ty vận chuyển nói trên,  mỗi tháng một công ty được làm hợp đồng chuyển viện theo yêu cầu với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Đến phiên công ty nào thì công ty đó được đậu xe trước phòng cấp cứu.

Nếu không, phải để xe cách xa phòng cấp cứu. Nếu bệnh nhân gọi tới số 115 không đúng ca của Công ty Vận Thịnh thì bệnh nhân gặp rắc rối.

Lúc ấy, Vận Thịnh không trong tư thế sẵn sàng: xe cấp cứu  để ở xa điểm trực cấp cứu, tài xế phải đi từ phòng trực của công ty (đối diện phòng cấp cứu) xuống bãi xe.

Sau khi lấy xe mới quay lại phòng trực đón y tá, điều dưỡng đi cấp cứu bệnh nhân… Hoặc có khi xe của Vận Thịnh đang thực hiện những hợp đồng riêng của công ty ngoài bệnh viện.

Vị bác sĩ nói trên khẳng định trong trường hợp này, thời gian tiếp cận ca cấp cứu sẽ kéo dài, tăng phần nguy hiểm cho bệnh nhân.

“Cấp số 115 cho đơn vị kinh doanh là không đúng”

Ông Huỳnh Nhật Quang, giám đốc Công ty Vận Thịnh, thừa nhận có tình trạng người dân phản ảnh xe cấp cứu không chở người bệnh kịp hoặc không vận chuyển theo yêu cầu khi gia đình người bệnh gọi đến 115.

Những phản ảnh này thuộc các trường hợp mà dịch vụ vận chuyển cấp cứu của công ty không can thiệp nhanh bằng các phương tiện khác, với các ca bệnh quá xa Đà Lạt hoặc tai nạn giao thông ở những tuyến đường đông xe qua lại, hoặc đang thời điểm công ty đang thiếu xe...

Ông Quang cũng thừa nhận nếu bệnh nhân gọi cấp cứu đúng vào tháng công ty nghỉ, không thực hiện chuyển viện theo yêu cầu của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thì việc cấp cứu có chậm trễ hơn…

Ông Trần Mạnh Hạ, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận việc cấp số điện thoại 115 cho một đơn vị kinh doanh là không đúng.

Ông khẳng định có chuyện người dân gọi cho Công ty Vận Thịnh qua số 115 nhưng nhầm tưởng đang gọi cho trung tâm cấp cứu của tỉnh.

Ông Hạ cho biết thêm, hiện Lâm Đồng chưa có trung tâm cấp cứu thì số điện thoại “nóng” 115 nên chuyển cho đơn vị nhà nước có khả năng cấp cứu tốt nhất hoặc phải là số dùng chung cho cả hai công ty nói trên và bệnh viện. Không nên để một công ty sử dụng độc quyền như hiện nay.

“Thực tế, với đơn vị kinh doanh nói chung, lợi nhuận là yếu tố quan trọng. Sở Y tế cũng không đồng ý giao số 115 cho một công ty chuyên kinh doanh vận chuyển cấp cứu nhưng đây là quyết định của ban giám đốc nhiệm kỳ cũ” - ông Hạ nói.

Ông Hạ cũng hứa sẽ cân nhắc việc sử dụng số 115 sao cho hiệu quả, không gây ảnh hưởng quyền lợi của bệnh nhân.

 

“Số điện thoại 115 phải được giao cho đơn vị chuyên cấp cứu, có khả năng ứng phó khẩn cấp”

Ông Trần Mạnh Hạ - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng

 

 

Xã hội hóa hoạt động cấp cứu phải đảm bảo an toàn

Tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, số cấp cứu 115 cũng được cấp cho các trung tâm tư nhân. Theo các cơ quan quản lý tại địa phương, cách làm này đúng với chủ trương kêu gọi xã hội hóa trong hoạt động cấp cứu.

Cụ thể, tại Hà Tĩnh, số 115 được giao cho Công ty TNHH MTV Ngọc Linh - đơn vị chủ quản Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh - sử dụng.

Tại Nghệ An, đầu số 115 trở thành số điện thoại của dịch vụ vận chuyển cấp cứu trong bệnh viện tư nhân - Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An (xã Nghi Phú, TP Vinh).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây số 115 được cấp cho Trung tâm vận chuyển cấp cứu 05 thuộc Sở Y tế Nghệ An (sau này thành Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115).

Tuy nhiên, trong thời gian dài do không có ngân sách để hoạt động, không có xe, dần dần trung tâm này giải thể.

Tại Thanh Hóa, từ năm 2005 số 115 cũng được giao cho Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Thanh Hóa, trực thuộc Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa (không trực thuộc Sở Y tế).

Ông Doãn Tiến Hùng, cán bộ Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa, cho biết trong 10 năm qua, trung tâm đã vận chuyển cấp cứu an toàn hàng chục nghìn lượt bệnh nhân chuyển từ bệnh viện tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tỉnh ra các bệnh viện trung ương ở Hà Nội.

Ông Đậu Tùng Lâm, chánh thanh tra Sở Thông tin truyền thông Hà Tĩnh, cho biết trước đây số 115  do trung tâm cấp cứu của Sở Y tế Hà Tĩnh sử dụng, nhưng do trung tâm không đủ điều kiện nên sở này mới cung cấp cho doanh nghiệp tư nhân sử dụng.

Ông Lưu Đình Cừ, chánh văn phòng Sở Y tế Nghệ An, cho rằng mô hình vận chuyển cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An là mô hình xã hội hóa bệnh viện có uy tín và hiệu quả ở tỉnh.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng nhiều năm qua, đơn vị được giao số 115 đã làm tốt nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu.

Trao đổi về việc một số địa phương để tư nhân điều hành hoạt động vận chuyển cấp cứu 115 trên, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết các loại hình dịch vụ y tế, trong đó có cả dịch vụ vận chuyển, đều có thể có sự tham gia của các loại hình kinh tế, kể cả tư nhân.

Theo ông Khuê, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, giám đốc Sở Y tế có thể quyết định việc tổ chức hoạt động vận chuyển cấp cứu 115 theo hình thức phù hợp với địa phương mình, có thể là công - tư phối hợp hoặc tư nhân hoàn toàn và theo nguyên tắc đảm bảo quy chế chuyên môn.

Với cơ sở vận chuyển bệnh nhân trong nước, ông Khuê cho rằng tỉnh có thể tổ chức 1-2 thậm chí 3 cơ sở vận chuyển người bệnh, miễn sao đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh lây nhiễm nếu vận chuyển bệnh nhân bệnh truyền nhiễm.

Nhóm PV

 

 

Theo Mai Vinh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên