Hải Phòng: Hàng ùn tại cảng do cân trọng tải không đồng bộ
Sau hơn hai tháng thực hiện việc cân tải trọng, tình trạng ùn tắc hàng hóa diễn ra ở nhiều cảng của Hải Phòng.
- 16-04-2014Triển khai việc cân tải trọng lưu động gặp khó
- 29-12-2013Dấu hiệu phá hoại trạm cân tải trọng tại Hà Nam
UBND TP.Hải Phòng đã cùng các sở ngành liên quan tìm hướng giải quyết, nhưng các biện pháp vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, cho đến thời điểm hiện tại, tại XN xếp dỡ Cảng Hoàng Diệu đang tồn đọng gần 120.000 tấn hàng, trong khi lượng tồn trước ngày cân tải trọng (1.4.2014) chỉ là 45.700 tấn. Tại XN Tân Cảng, liên tục trong 2 tháng, lượng hàng container tồn đọng luôn ở mức 12.000 – 14.000 Teu, trong khi sức chứa chỉ từ 8.000 – 9.000 Teu...
Loay hoay tìm cách giải phóng hàng ùn tại cảng
Tương tự như vậy, Cty CP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ cho biết, hai tháng gần đây, lượng hàng tồn đọng tăng cao do khách không đến lấy hàng, khiến có lúc lượng hàng tồn lên đến trên 7.000 container. Việc rút hàng chậm, tồn bãi tại cảng càng lâu sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tàu mới, các cảng cũng bị thiệt hại theo; Cty CP Cảng Đoạn Xá tồn đọng 3.580 container (bằng 5.529 Teu); Cảng Vật Cách tồn đọng hơn 2.000 tấn nông sản, hơn 25.000 tấn hàng hóa trọng tải lớn, gần 19.000 tấn hàng hóa khác...
Từ ngày 26.5, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cảng Hải Phòng thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại cảng nên lượng hàng hạ bãi tăng mạnh, việc ùn ứ càng kéo dài hơn. Ngoài ra, do năng lực giải phóng tàu giảm đơn cử như cảng Hoàng Diệu chỉ đạt 500 tấn/ngày thay vì 1000 tấn/ngày như trước đây.
Ông Lê Văn Trình - cán bộ phòng Kinh doanh Cty TNHH Ống thép 190 (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) - cho biết: Mỗi tháng trung bình cty nhập về khoảng 5.000 tấn sắt thép, đa phần là thép cuộn. Trước đây, ô tô có thể chở được 2 cuộn thép, nhưng giờ chỉ chở được 1 cuộn, chi phí vận chuyển tăng lên gấp hai, trong khi giá sản phẩm không tăng. “Không những thế, việc cân tải trọng tại cảng cũng khiến các xe xếp hàng dài, nên tốc độ giải phóng hàng càng chậm, khách hàng của chúng tôi nhiều lần có ý kiến” – ông Trình nói.
Theo đại diện cảng Hải Phòng, bất cập nữa hiện nay là việc áp dụng cân tải trọng ngay tại cảng chưa được thực hiện đồng bộ, triệt để tại tất cả các cảng. Vì vậy, với gần 40 cảng hiện tại của Hải Phòng, mà mới chỉ một số DNNN, cảng lớn phải chịu sự chỉ đạo cân tải trọng, trong khi nhiều cảng khác lại không phải chịu giám sát cân. Điều này dẫn đến việc một số chủ hàng đã xin chuyển sang các cảng khác để không bị giám sát cân tải trọng.
Ông Nguyễn Đức Thọ - PGĐ Sở GTVT Hải Phòng - cho biết: đề nghị các cảng tăng cường năng lực bốc xếp , có chế tài đối với các đơn vị vi phạm hợp đồng và cam kết với cảng về thời hạn lưu giữ hàng hóa; đề nghị Ga Hải Phòng khẩn trương nâng cấp, bố trí các toa xe, làm mới 2 nhánh đường sắt, tăng cường năng lực xếp dỡ hàng hóa; đề nghị các Cty CP Vận tải đường sông có kế hoạch huy động phương tiện đáp ứng nhu cầu vận chuyển các loại hàng rời, hàng thiết bị siêu trương siêu trọng, quá khổ quá tải bằng đường thủy nội địa...
Theo ông Thọ, hiện tại, hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng vẫn được vận chuyển bằng đường bộ, do năng lực bốc xếp của đường sắt vẫn rất hạn chế (năm 2013, Ga Hải Phòng bốc xếp được trên 1,4/55 triệu tấn hàng hóa qua các cảng Hải Phòng), số lượng hàng đi đường thủy cũng rất hạn chế.
“Vì vậy, sở GTVT Hải Phòng cũng đã đề nghị UBND TP Hải Phòng có ý kiến với Bộ GTVT, xem xét và có giải pháp hỗ trợ, đầu tư hệ thống thiết bị xếp dỡ tại các cảng thủy nội địa và ga đường sắt trên địa bàn để giảm tải cho đường bộ; tổ chức kết nối các tuyến đường sắt, hệ thống toa xe chuyên dùng vận chuyển container” - ông Thọ nói.
Do các giải pháp vẫn còn đang chờ xem xét, nên kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền vẫn phải nhấn mạnh rằng, các đơn vị, DN phải chủ động, tích cực tự tháo gỡ vướng mắc. Với những khó khăn cụ thể thì làm văn bản đề xuất, thành phố sẽ kiến nghị lên Bộ GTVT giải quyết.
Theo Hoàng Hoan