Hàng nông sản trên danh thiếp chủ tịch tỉnh
Từ nhiều năm qua nông dân ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng làm ra nhiều mặt hàng nông, thủy sản có giá trị nhưng luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên nông dân vẫn nghèo.
Danh thiếp của ông Trần Công Chánh
Ông Chánh cho biết:
- Từ nhiều năm qua nông dân ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng làm ra nhiều mặt hàng nông, thủy sản có giá trị nhưng luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên nông dân vẫn nghèo. Một trong những lý do khiến hàng hóa của nông dân làm ra chưa tìm được thị trường tiêu thụ là việc tiếp thị sản phẩm quá kém. Có nhiều kênh để tiếp thị như cử cán bộ đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài thông qua kênh các đại sứ quán, tiếp thị trong nước thì cử cán bộ trung tâm xúc tiến thương mại đi làm việc mời chào doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tỉnh nào cũng nhào vô làm theo cách này nên rất tốn kém tiền bạc mà không mang lại hiệu quả.
Trăn trở trước thực tế này, tôi quyết định làm theo cách riêng của mình là thông qua danh thiếp cá nhân gửi đến doanh nghiệp xem như đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh mời chào doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xúc tiến liên kết tiêu thụ các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.
* Có ý kiến nói rằng việc tiếp thị nói trên chỉ là hình thức, còn thực tế lãnh đạo tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
- Hoàn toàn không có chuyện hình thức ở đây. Để đưa các sản phẩm của tỉnh lên danh thiếp, cá nhân tôi cũng rất đắn đo. Từ khi có ý tưởng đến thực hiện, tôi và các cộng sự ở tỉnh đã mất hơn nửa năm cân nhắc chọn lựa, và cuối cùng tôi chỉ chọn năm sản phẩm nông nghiệp chính mà tỉnh đã có thương hiệu nhưng cần tiếp thị mạnh mẽ để tiêu thụ nhanh, bền vững hơn gồm: lúa gạo, mía, bưởi năm roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cá thác lác Hậu Giang.
Tôi xin kể câu chuyện thế này, vừa rồi tiếp một đoàn doanh nghiệp nước ngoài, tôi đưa danh thiếp của tôi cho họ và rất nhiều người trong đoàn xem rất kỹ tấm danh thiếp và tỏ ra ngạc nhiên. Lập tức họ hỏi tôi: “Ngài chủ tịch in cái gì trên tấm danh thiếp?”. Thế là tôi có cơ hội giải thích, quảng bá mời chào kỹ hơn sản phẩm của tỉnh với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tỏ ra rất thích thú. Dĩ nhiên sau đó chúng tôi đã ký kết được hợp đồng cung cấp hàng nông sản cho họ.
Cá nhân tôi nhận thấy việc tiếp thị theo cách này không quá tốn kém chi phí tiền bạc nhưng đã mang lại hiệu quả nhất định.
* Ngoài việc tiếp thị quảng bá, tỉnh có tính đến việc xây dựng kế hoạch dài hơi hơn để phát triển các thế mạnh nông, thủy sản chủ lực, thưa ông?
- Hậu Giang là tỉnh nghèo, nếu không tự vận động sẽ rất khó khăn. Chúng tôi xác định năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiếp thị mời gọi liên kết các sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang. Trước mắt tỉnh sẽ tập trung làm tốt việc xúc tiến quảng bá đưa sản phẩm của tỉnh cung cấp cho thị trường TP.HCM, miền Trung, miền Bắc, vào hệ thống các siêu thị, sau đó khi có cơ hội sẽ đưa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp đất đai thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường.
Xây dựng cổng thông tin điện tử chuyên về hàng nông sản Ông Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang - cho biết thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, sở đã thực hiện việc xúc tiến thương mại hàng nông sản nội địa gồm: cá thác lác, khóm, cam sành... Hiện đang xúc tiến mở các chợ đầu mối tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và các địa phương này rất ủng hộ về vị trí cũng như mặt bằng để mở chợ đầu mối. Vấn đề các bạn hàng lớn khi làm việc với ngành nông nghiệp Hậu Giang quan tâm là làm sao thu gom được số lượng lớn để cung ứng. “Năm 2014 Hậu Giang sẽ xây dựng năm điểm thu mua tập trung (trong đó có hai chợ cá) tại huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh. Bên cạnh đó Hội Doanh nghiệp TP.HCM sẽ giúp Hậu Giang xây dựng cổng thông tin điện tử chuyên về hàng nông sản của Hậu Giang” - ông Đồng cho biết. |