MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoãn phạt xe quá tải: Ấm ức của doanh nghiệp "chính chuyên"

02-07-2014 - 07:58 AM | Xã hội

Ông Hoàng Quang Ngọc thấy thiệt thòi khi chở đúng tải, đồng thời khuyên người nông dân chấp nhận giá cước tăng như quy luật tất yếu.

Cân....nhầm đối tượng

Trước đề xuất của Bộ GTVT xin hoãn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP đến 31/12/2014 một số trường hợp xe ô tô vi phạm tải trọng, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội) đánh giá đây là một chủ trương đúng đắn và phải làm ngay.

Trong đề xuất này, Bộ GTVT kiến nghị chưa xử phạt ô tô vi phạm tải trọng trục mà không vi phạm tổng trọng lượng được phép tham gia giao thông của xe. Theo ông Ngọc, nếu đề xuất này được chấp nhận thì đây sẽ là một cái lợi lớn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

"Nếu áp dụng theo cân tải trọng trục thì đến 90% các xe khi cân đều bị quá tải. Tôi xin khẳng định rằng, các biên bản xử phạt hiện nay đối với các phương tiện bị quả tải từ 2-5% trên thực tế đánh vào các đơn vị vận tải đang thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT.

CSGT và Thanh tra giao thông đang cân nhầm....đối tượng. Trong khi các đơn vị, chủ xe chấp hành nghiêm chỉnh lại bị quá tải trọng trục thì các thành phần khác vẫn đi qua được trạm cân. Đây là sự kinh doanh thiếu lành mạnh và gây bất bình cho xã hội", ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho rằng, nếu không nhanh chóng sửa đổi NĐ 171 nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, tức là người thực hiện nghiêm chỉnh có thể bị đẩy vào nguy cơ phá sản hoặc trở thành đối tượng để các thành phần tiêu cực trên đường nhũng nhiễu, "hành tỏi".

Ông Ngọc dẫn chứng bằng câu chuyện của một đơn vị đối tác và của chính doanh nghiệp mình.

"Vừa rồi đơn vị đối tác của chúng tôi phản ánh, họ chở hàng đúng tải thì bị CSGT ở Hải Phòng bảo: Chúng tôi có cấm các ông chở quá tải đâu? Mọi hôm làm thế nào thì hôm nay cứ làm như thế đi. Những xe đó mọi hôm chở 70-80 tấn nhưng thấy cơ quan chức năng siết xe quá tải thì chấp hành chủ trương, chở đủ tải. Vậy mà trạm cân, bên công an lại bảo mọi khi 400.000 đồng (tiền mãi lộ - PV) thì hôm nay cứ vậy đi, tôi có bắt ông chở đủ tải đâu?

Chính tôi cũng nhận được 1 biên bản xử phạt trên Vĩnh Phúc: xe quá tải 5 tạ vẫn bị lập biên bản. Kiểm tra trên máy chủ, xe của tôi chạy từ ngày 1/4 đến ngày bị lập biên bản chưa bị quá tải lần nào, nhưng hôm đó bị quá tải 2,5% để cuối cùng bị lập biên bản phải nộp phạt 350.000 đồng.

Trong khi đó tôi biết có những đơn vị vận tải tính từ 1/4 đến nay, ngày nào cũng xếp khoảng 20 xe chạy từ dưới Hải Phòng lên quá tải 300% mà không bị lập bất cứ một biên bản nào. Bởi họ đã "xuyên thủng" hết rồi", ông Ngọc bức xúc.

Ông cũng ấm ức cho rằng, doanh nghiệp vận tải của ông là một trong những đơn vị đầu tiên ủng hộ chủ trương siết xe quá tải, thậm chí còn tự tổ chức cổ động phong trào, dán panô, áp phích ủng hộ cân quá tải. "Nhưng đến bây giờ công an với trạm cân cứ nhằm chúng tôi mà "vụt"!

"Tôi thấy mình quá thiệt. Chúng tôi đã cam kết không chạy quá tải, giờ chạy quá tải trong thời điểm này có phải là tự làm trò cười không. Vì thế vẫn phải cắn răng chấp hành. Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này, không cẩn thận chúng tôi cũng phải sống chung với bão, nếu không chúng tôi phá sản mà chết", ông Ngọc nói.

Chạy cước cũ để sập tiệm à?

Từ khi Bộ GTVT siết xe quá tải, cước vận tải cũng tăng theo. Ông Ngọc cho rằng, để chạy đủ tải trọng, giá cước cũng phải phù hợp. Tất nhiên giá cước phải phù hợp với thị trường chứ không phải tăng khống lên để vơ vào. Tăng thế nào để doanh nghiệp có lãi, phù hợp với đồng tiền bỏ ra đầu tư, để có thể tồn tại được và nuôi được công nhân.

"Nếu giờ cấm tải mà chúng tôi vẫn chạy cước cũ để sập tiệm à? Nhà nước đang chấp nhận cái này để tạo lại mặt bằng vận tải. Thực tế xe chạy đủ tải thì đường sá đỡ bị hư hỏng, ít phải sửa chữa, đồng tiền lẽ ra dùng để sửa chữa đường phải quay ngược lại phục vụ cộng đồng, cộng đồng được hưởng chung chứ chẳng riêng gì chúng tôi".

Ông Ngọc cho biết, giá cước phụ thuộc vào từng cung đường và từng loại đường. Chẳng hạn, giá cước chở vật tư phân bón từ Hải Phòng lên Hà Nội ngày trước là 160.000 đồng/tấn, giờ vào mức 260.000 đồng/tấn. Nhưng nếu Nhà nước làm không đúng thì những doanh nghiệp chạy quá tải sẽ tính cước giảm xuống còn 220.000 đồng/tấn thì họ được hưởng lợi trong khi người dân phải chịu thiệt.

"Lợi nhuận chúng tôi trả ngược lại xã hội, giá cước hiện tại chỉ bù đắp vào cái đủ tải, xe chạy đủ tải ít làm hư hỏng kết cấu hạ tầng. Những xe chạy quá tải được hưởng lợi, dùng để chi cho các trạm cân, công an trong khi người dân phải chịu cước quá tải đó".

Tăng cước để tạo sức ép tốt cho...nông dân?

Với lý do cước vận tải tăng do bị siết kiểm soát tải trọng xe, việc vận chuyển nông sản bị ách lại, người nông dân bắt buộc phải giảm giá nông sản để bù phí vận tải. Trong bối cảnh nông sản đang rớt giá thê thảm, cước vận chuyển lại tăng cao, người nông dân trở thành đối tượng bị ép giá ở cả hai đầu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Ngọc cho rằng, xã hội phải đồng ý với chuyện người nông dân phải trả cước vận chuyển lúa gạo và phải mua vật tư giá cao lên. Điều này đồng nghĩa với vấn đề người nông dân phải thích ứng với đơn giá ấy để sản xuất ra hạt gạo và các nông sản khác có chất lượng hơn để bán ra với giá cao hơn, chứ không phải sản xuất ồ ạt và bán với giá rẻ mạt.

"Người nông dân đang tự tay đập vào đầu mình, tự sản sinh ra những sản phẩm kém chất lượng, hễ cái gì được giá là ồ ạt trồng theo, không theo bất cứ quy hoạch nào cả thế nên mới bị rớt giá.

Đó là lỗi của người nông dân, họ sẽ vẫn đầu tắt mặt tối, chân luôn lấm bùn nếu vẫn làm như thế. Phải có công nghệ tốt, năng suất cao, theo quy hoạch Nhà nước, nhìn thấy thị trường chứ không phải trăm hoa đua nở, người cày có ruộng như ngày xưa.

Người nông dân phải chấp nhận việc tăng giá cước như quy luật tất yếu của xã hội. Khi họ biết cách sản xuất thì tự nhiên xã hội chấp nhận sản phẩm đó không nề hà giá cả. Xã hội bây giờ ăn ngon không phải ăn nhiều. Việc tăng giá này chính là sức ép để người nông dân phải sản xuất ra sản phẩm tốt hơn", ông Ngọc nói.

>>>Kiểm soát trọng tải xe: Có diệt được nạn mãi lộ, đội giá cước?

Theo Thành Luân

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên