MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp pháp hoá Uber cần dọn hành lang pháp lý

03-12-2014 - 17:48 PM | Xã hội

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng để hợp pháp hoá Uber các nhà làm luật Việt Nam cần phải tính đến việc bảo mật thông tin cá nhân, bảo hiểm khi xảy ra tai nạn, độc quyền kinh doanh vận tải, thu thuế...

Mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng Uber là một mô hình có lợi cho người dân nên cần nghiên cứu và hợp pháp hoá, bỏ tư tưởng không quản được thì cấm.


Liên quan đến mô hình hoạt động của Uber ở Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh vấn đề này.


PV: Hồi giữa tháng 11, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị 3 bộ xử lý các trường hợp dùng Uber. Cách hành xử như thế có đúng không trong khi Việt Nam chưa có quy định pháp luật về dịch vụ này mà đã xử phạt các trường hợp vi phạm?


Ông Đậu Anh Tuấn: Theo pháp luật Việt Nam hiện tại thì nếu các hãng taxi hoặc những công ty vận tải xe ô tô có giấy phép chở khách tuyến không cố định nếu ứng dụng dịch vụ Uber thì chắc không có vấn đề gì nhưng nếu những xe ô tô cá nhân mà tham gia mạng lưới Uber để kinh doanh chở khách thì vi phạm quy định pháp luật.


Cụ thể Luật Giao thông Đường bộ và các nghị định hướng dẫn quy định muốn kinh doanh chở khách thì công ty, phương tiện xe phải đáp ứng các điều kiện nhất định.


Kinh doanh chở khách là ngành nghề có điều kiện kinh doanh chứ không phải pháp luật chưa quy định. Bởi Uber là một ứng dụng giúp kết nối người cung cấp và và khách hàng trong sử dụng taxi, hưởng hoa hồng trên doanh số mà khách hàng sử dụng qua dịch vụ của họ, chứ bản thân Uber không trực tiếp đứng ra kinh doanh taxi.


PV: Trước đó, Hiệp hội taxi TP HCM có kiến nghị Bộ GTVT rằng uber kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh. Vậy cho uber hoạt động sẽ ảnh hưởng tới các hãng taxi truyền thống?


Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra các công ty taxi lo lắng về sự cạnh tranh của Uber là có thật. Họ lo ngại vì sự cạnh tranh không lành mạnh như nếu sử dụng xe cá nhân kinh doanh chở khách theo mạng lưới Uber thì chưa phải trả thuế, không phải chi phí cấp phép và những chi phí hành chính khác… nên chắc chắn giá cả sẽ cạnh tranh hơn.


Nhưng về lâu dài, chính các hãng taxi đang kinh doanh theo mô hình truyền thống phải đặt ra vấn đề phải thay đổi như thế nào trước những xu hướng có tính đột phá này. Liệu có nên tìm ra mô hình hợp tác hoặc phát triển theo hướng này không là vấn đề nên được cân nhắc chi tiết. 


Ở Việt Nam theo tôi không nên đặt vấn đề cấm đoán mà nên khuyến khích việc sử dụng Uber, trước hết là với những công ty, hãng kinh doanh vận tải ô tô đã có giấy phép. Cần nghiên cứu, thay đổi hệ thống pháp luật để khuyến khích và tạo điều kiện cho mô hình này hoạt động được đúng luật và nhà nước thu được thuế.


Không nên cấm đoán để bảo hộ các công ty hiện tại vì những ý tưởng kinh doanh đột phá nhưng có thể mang lại lợi ích cho người dân, mà mở dần dần buộc những công ty hiện tại phải thay đổi.


Vai trò của Nhà nước là bảo đảm và tạo thuận lợi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau lành mạnh bằng ý tưởng, bằng dịch vụ, bằng cách thức tổ chức… nhưng đều phải đóng thuế đầy đủ và phải bảo vệ người tiêu dùng.


PV: Theo ông muốn Uber được hợp pháp hoá ở Việt Nam thì cần phải làm gì để hợp pháp hoá cũng như đảm bảo tính công bằng và môi trường cạnh tranh lành mạnh?


Ông Đậu Anh Tuấn: Mô hình kinh doanh theo dạng Uber theo tôi cũng đặt ra các vấn đề cần quan tâm như có thể công ty kinh doanh dịch vụ Uber không hiện diện tại Việt Nam nên cách thức thu thuế như thế nào là phù hợp?


Mô hình này khi trở nên phổ biến, thịnh hành sẽ có thể dẫn đến tình trạng độc quyền trong vận tải khách nên khi đó cần đề phòng việc tăng giá trở lại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng? 


Vấn đề bảo mật thông tin, quyền riêng tư cá nhân cũng đáng quan tâm khi dữ liệu đi lại của cá nhân có thể dễ dàng hệ thống, tổng hợp… và có thể mua bán…? Đây là những câu hỏi mà các nhà làm luật ở VN cần phải tính đến trong thời gian tới.


Xin cảm ơn ông!


>>>Bộ trưởng Thăng: Sao không hợp pháp hóa cho  Uber?


Bạch Huệ

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên