[Họp Quốc hội] Dự luật Hộ tịch: Cần có nguyên tắc cấm đặt tên xấu cho con
Dự thảo Luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con khiến cán bộ tư pháp hộ tịch địa phương bất lực trong việc thuyết phục các bậc cha mẹ không đặt tên xấu cho con mình.
Thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch tại hội trường sáng 28/10, phần lớn ý kiến các ĐBQH đều đồng thuận ý kiến nên tiếp tục giữ việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hộ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến về việc bỏ hay giữ cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Luồng ý kiến thứ nhất muốn giữ việc cấp giấy khai sinh như hiện hành và ý kiến thứ 2 là muốn bỏ việc đăng ký trên, thay vào đó là cấp thẻ căn cước cho trẻ em ngay từ khi ra đời.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc đăng ký khai sinh là việc Nhà nước thừa nhận về sự ra đời của một con người ngay từ khi chào đời. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nên tiếp tục giữ việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Cho ý kiến về việc bỏ hay giữ cấp giấy khai sinh cho trẻ em, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu dẫn chứng cụ thể thực tế trường hợp cụ thể tại chùa Bồ Đề thời gian qua.
Cụ thể, tại thời điểm thanh kiểm tra tại chùa Bồ Đề trong số 112 trẻ đang được nuôi dưỡng thì có tới 80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh, chưa được công nhận quyền cơ bản của mình.ĐB Hải nhấn mạnh, dù tiếp nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi nhưng nhà chùa chưa đáp ứng được điều kiện vật chất cũng như thủ tục pháp lý cho trẻ.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền làm con nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của trẻ và vi phạm quyền trẻ em theo công ước quốc tế của liên hiệp quốc.
Tuy khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã tích cực giải quyết, song ĐB Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: “Cơ quan nào, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm với 80 trẻ em không được làm giấy khai sinh như vậy?”.
Bà tiếp lời: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp giấy khai sinh đối với trẻ em bị bỏ rơi… quy định vẫn còn rất chung chung. Sai phạm thực tế nhưng khó chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm, ai phải bồi thường, mức bồi thường cụ thể như thế nào.
Dự thảo Luật Hộ tịch có phạm vi điều chỉnh lớn, có vị trí quan trọng đối với quyền con người, nên cần bổ sung thêm những quy định chi, cụ thể về trách nhiệm kê khai khai sinh đối với đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ.
Còn ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, bộ Luật Dân sự và Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Giấy khai sinh là văn bản pháp lý đầu tiên Nhà nước cấp để thừa nhận quyền công dân. Đây cũng là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi và căn cứ cấp các giấy tờ pháp lý khác.
“Khi giao dịch với cơ quan đại diện người nước ngoài ở VN thì họ vẫn yêu cầu xuất trình giấy khai sinh. Nếu bỏ cấp giấy khai sinh và phải đăng ký trích lục hộ tịch khi đăng ký khai sinh cho người khai sinh thì không bỏ được thủ tục hành chính”- ĐB Thủy nói.
Theo ĐB Huỳnh Văn Kính (Tiền Giang), quyền được khai sinh là quyền dân sự cá nhân được Nhà nước đảm bảo. Trẻ em có quyền đăng ký khai sinh và quyền hộ tịch là một trong những nội dung quan trọng của công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới ký tham gia công ước này.
Giấy khai sinh có giá trị suốt đời, không có hạn sử dụng, không phải đổi như thẻ căn cước công dân. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi gây lãng phí, tốn kém cho công dân. Hơn nữa, khi công dân đủ 14 tuổi phải đổi thẻ khác.
Cũng tán thành việc cấp giấy khai sinh của trẻ em, ĐB Nguyễn Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nhấn mạnh, về bản chất quy định trong luật thì giấy khai sinh và thẻ căn cước hoàn toàn khác nhau. Nếu giấy khai sinh là cơ sở cho các giấy tờ khác trong quản lý Nhà nước, thì thẻ căn cước công dân chỉ phục vụ việc quản lý Nhà nước đối với công dân.
“Thẻ căn cước công dân không thể thay thế giấy khai sinh được”- ĐB Tám kết luận.
Đề cập tới vướng mắc về chuyện dự thảo Luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con đang làm “khó” cán bộ tư pháp hộ tịch địa phương, ĐB Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) nêu thực tế, cán bộ ở cơ sở sẽ bất lực khi mà thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con thuần Việt.
Ví dụ như đặt tên xấu cho con như: Đinh Sâu Rum, Cao Ki A, tên xấu, tên mất thẩm mỹ gây mặc cảm như Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì; tên quá dài gây phức tạp như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân. Đây là một cái tên rất là dài của Việt Nam gây khó khăn khi làm các thủ tục.
Bà Nhung đề xuất, cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán. Ví dụ, cha mẹ là người dân tộc Đắc Klay nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới dẫn đến phải cải chính hộ tịch.
Theo Nguyễn Hoài
Infonet