MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp Quốc hội]: Không có luật, toà vẫn phải xử án

27-10-2014 - 20:16 PM | Xã hội

Một trong những điểm đáng quan tâm là Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có quy định toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì chưa có điều luật để áp dụng xét xử.

Sáng nay (27/10), Quốc hội vừa nghe Tờ trình sửa đổi Bộ luật Dân sự của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Một điểm đáng quan tâm là dự thảo luật quy định toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng xét xử. Nội dung này được quy định tại Điều 12 và 13 của dự thảo.

“Trong thời gian qua, do thiếu quy định này trong luật nên không ít trường hợp tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân”, ông Hà Hùng Cường bày tỏ và cho rằng quy định trên là phù hợp.

Ngoài ra, quy định nói trên phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo trách nhiệm của Chính phủ, tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết.

Cụ thể, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán (đã được quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành). Trường hợp không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và “lẽ công bằng”để giải quyết vụ việc dân sự.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hộibày tỏ đồng tình cao với quy định trên. Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định tập quán để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng.

Vẫn theo ông Phan Trung Lý, việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

“Như vậy, vấn đề thế nào là “áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự” cần được quy định trong Bộ luật Dân sự để làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật khi xét xử”, ông Lý nói.

Ngoài ra, ông Phan Trung Lý còn cho rằng việc giải quyết vụ việc "dựa trên lẽ công bằng" là một quy định mới nhưng chúng ta vẫn chưa có quy định thế nào là "lẽ công bằng".

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

>>>Tuần này, Quốc hội đánh giá tái cơ cấu trong đầu tư công, hệ thống ngân hàng





cucpth

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên