[Họp Quốc hội]: Nhất trí lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.
Đây là chức danh mới để phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi. Nhiều đại biểu tán thành quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là chức danh mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng Thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) đồng tình với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, vì theo ông Trần Ngọc Vinh, người nào hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng lập chức danh Tổng Thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký. Đại biểu Tám cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp việc Tổng Thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng…
Tuy nhiên cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Định) đặt vấn đề: Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải chọn trong số các đại biểu Quốc hội và cũng phải làm việc theo nhiệm kỳ nhằm tạo sự linh hoạt trong lựa chọn ứng viên cho vị trí này.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu tán thành quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn, tính độc lập của đại biểu, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) kiến nghị cần xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nhất là trong xây dựng luật.Tán thành với đại biểu Hùng, các đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Thanh Sơn (tỉnh Nam Định) nêu quan điểm: Cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về đại biểu chuyên trách, nhất là ở địa phương để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ của mình