“Khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là bệnh thành tích”
Ông Nguyễn Đức Kiên: "Nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển ngược thế giới"...
"Khó khăn lớn nhất chính là bệnh thành tích, thích theo chủ nghĩa dân túy, mà không nhìn vào bản chất sự việc", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận quá trình điều hành nền kinh tế 2011- 2015.
Ông Kiên cũng cho rằng, trong các phiên thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội và ngân sách của ngày 2 và 3/11 tới, Quốc hội cần phải đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Mô hình tăng trưởng gần như không đổi
Điểm khác của kỳ họp này là Chính phủ không chỉ trình Quốc hội báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm nay, năm sau, 5 năm qua mà còn cả quá trình ba năm tái cơ cấu nền kinh tế (2012 - 2015). Là một người nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, ông quan tâm nhiều đến nội dung nào trong các báo cáo này?
Tôi vẫn đặc biệt quan tâm đến kết quả tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng quả thực không thấy có nhiều điểm sáng.
Tái cơ cấu đầu tư công có thể nói là không thành công, thể hiện rõ ở việc bội chi ngân sách vẫn cao, cùng với đó là việc phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn.
Chỉ số ICOR không cải thiện nhiều, nếu 2012 chỉ số chung của cả nước là 5,3 thì 2015 là 5,18. Như vậy 4 năm thực hiện tái cơ cấu mới chỉ giảm được 0,12, như vậy là tái cơ cấu đầu tư công có vấn đề.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thể coi là thành công khi mà thời điểm cần bán vốn Nhà nước ra thị trường làm cho thị trường vốn phát triển (2013) thì chúng ta không làm, mà bây giờ mới làm.
Như thế có thể vẫn thu được tiền nhưng tác dụng lan tỏa và tác dụng hỗ trợ cho thị trường tiền tệ là mất đi, nên tính phối hợp và đồng bộ của nền kinh tế là không có.
Điều đó khiến cho chính sách tài khóa một đằng và chính sách tiền tệ một nẻo. Từ đó tốc độ nợ công tăng nợ cao hơn GDP. Tốc độ tăng nợ bình quân đến 18% bình quân còn GDP tăng chỉ có 5,88%. như vậy thì rất nguy hiểm.
Chúng ta có 432 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải cổ phần hóa theo kế hoạch Chính phủ trình Quốc hội, nhưng đến nay còn hơn 100 chưa làm được. Trong lúc doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản là gần 5 triệu tỷ đồng không những không có tác động tích cực với nền kinh tế mà còn đang bon chen với doanh nghiệp dân doanh kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế.
Vai trò của Nhà nước ở đây không phải thế. Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 nói rõ Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cao nhất, chứ không nói Chính phủ là cơ quan kinh doanh cao nhất của đất nước.
Trong ba trọng tâm tái cơ cấu thì tái cơ cấu ngân hàng làm bài bản nhất, có đề án và thực hiện đúng tiến độ, giảm được số lượng yếu kém và giữ được ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên cũng chưa phải đã hết những vấn đề đáng lo ngại.
Nhưng bảo là tác động của thành công của tái cơ cấu đến đến nền kinh tế thực như thế nào thì ý kiến còn khác nhau. Ví dụ như nhiều chỉ tiêu như ICOR, xuất siêu, nhập siêu cũng không phản ánh được bản chất thành công của tái cơ cấu.
Kết quả tái cơ cấu như vậy cũng có nghĩa là Việt Nam chưa thể có mô hình tăng trưởng bền vững, thưa ông?
Mô hình tăng trưởng gần như là không thay đổi, ví dụ sự nhảy múa của các con số về nhập siêu qua các năm cho thấy chúng ta đã không cầm cương được nền kinh tế. Nếu tình hình xấu thì bảo là do thế giới tác động mà không thấy khuyết điểm do điều hành.
Tư duy, mong muốn với hành động thành một tam giác chứ không hợp nhất thành một điểm. Mong muốn là vươn lên kéo gần khoảng cách và lọt vào trong top đầu của ASEAN nhưng tư duy vẫn của nền kinh tế kế hoạch hóa.
Nhà nước vẫn can thiệp và vẫn muốn chỉ đạo thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và chỉ trong trường hợp cùng bất đắc dĩ mới quay lại hành động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường nên luôn luôn chậm so với diễn biến của thị trường.
Khi đã chậm thì chi phí xử lý cao mà không quy được trách nhiệm cá nhân, những vấn đề như thế tiềm ẩn không phải là nguy cơ mà chính là lực cản của nền kinh tế.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là bệnh thành tích, thích theo chủ nghĩa dân túy mà không nhìn vào bản chất sự việc. Chúng ta cứ đề ra nhiều chính sách giảm nghèo, nhiều chính sách an sinh xã hội nhưng nguồn lực lại không có nên chỉ riêng nhiệm kỳ qua số công chức và viên chức cấp cơ sở tăng hơn 1 triệu người, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Nhưng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội kỳ nào cũng đánh giá mặt tích cực là cơ bản, và các vị đại biểu Quốc hội cũng đều “cơ bản đồng tình”?
Nếu chỉ nhìn năm này sang năm kia từ 2012 đến 2015 thì GDP năm sau cao hơn năm trước, nhưng nếu nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển ngược thế giới.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, giải ngân ODA cũng tăng, FDI cũng tăng, số lượng doanh nghiệp tăng, nợ công tăng rất nhanh nhưng tốc độ tăng GDP lại giảm.
Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa thì Trung Quốc có 28 năm tăng trưởng trên 10%, Hàn Quốc là 22 năm, Đài Loan là 27 năm tăng từ 9% trở lên. Trong khi đó Việt Nam chỉ có 7 năm thì chúng ta không thể nói là chúng ta điều hành nền kinh tế thành công.
Chính sách rất đúng, nhưng...
Vậy nguyên nhân chủ quan của sự không thành công là gì, theo ông?
Giải pháp đều có cả nhưng có triển khai hay không mới là quan trọng. Chính sách của ta đề ra rất đúng, lộ trình đề ra rất đúng, song thực hiện thì có vấn đề.
Với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chẳng hạn, yêu cầu đến 2014 phải thực hiện xong, đến 2015 tạo ra bước chuyển biến để thực hiện tiêu chí nước công nghiệp nhưng chúng ta không làm được.
Quốc hội phải làm rõ được nguyên nhân, phải đánh giá chính xác trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 ưu điểm là gì, hạn chế ở đâu, do thể chế hay do con người.
Vậy theo đánh giá của cá nhân ông thì sao?
Theo quan điểm của tôi thì nhiệm kỳ 2011 - 2015 là chưa hoàn thành nhiệm vụ cơ bản đã đề ra và đến 2020 cũng chưa thực hiện được lời hứa của Đảng trước dân là đưa nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Về kinh tế vĩ mô, một ví dụ là chúng ta phải phát hành 3 tỷ đô trái phiếu Chính phủ ra quốc tế để tái cơ cấu lại nợ trong nước. Trong khi lẽ ra thì phải là phát hành để đầu tư một số công trình trọng điểm thiết yếu quốc gia.
Nếu có đủ cơ sở để khẳng định Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ thì Quốc hội nên/cần làm gì, thưa ông?
Nhiệm kỳ của cả Chính phủ và Quốc hội đều sắp hết, chúng ta phải có đánh giá rất khách quan, rất khoa học về từng ngành, lĩnh vực, địa phương với góc độ vĩ mô để góp tiếng nói quyết định - tôi nhấn mạnh là tiếng nói quyết định chứ không phải tiếng nói bình thường - cho việc lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Một trong những yêu cầu lựa chọn cán bộ theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải vừa hồng, vừa chuyên, chứ không chỉ có hồng. Hiện nay, khả năng tập hợp và khả năng quyết đoán của cán bộ chủ chốt còn yếu nên không lôi cuốn được mọi người. Có những người có khả năng thì không được chọn nên chảy máu chất xám ngay trong nội bộ Đảng.
Tức là những người có khả năng xử lý công việc thì họ lại không có điều kiện để tham gia, mà việc đó lại được giao cho những người có nhiệt tình nhưng không đủ chuyên môn. Tình hình này cứ làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Lenin về sự nhiệt tình và kém hiểu biết…
Muốn góp tiếng nói quyết định thì có nghĩa là ngay ở kỳ họp này Quốc hội phải có tiếng nói đủ sức nặng?
Đúng. Các phiên thảo luận ở kỳ họp này phải là thảo luận của Quốc hội với Quốc hội để thống nhất nhận định thực trạng nền kinh tế rồi sau đó quay ra chất vấn các thành viên Chính phủ.
Trên cơ sở thống nhất nhận thức mới có thể nhận định chính xác về việc hoàn thành nhiệm vụ của từng thành viên và cả tập thể Chính phủ. Từ đó thảo luận những giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội ngay từ năm đầu tiên của kế hoạch 2016-2020.
Giả sử Chính phủ được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì Quốc hội có cần nhìn nhận sự liên can của chính mình không?
Có chứ, Quốc hội đã biểu quyết về nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm mà cái hàng năm đó không thực sự gắn với 5 năm nhưng chúng ta vẫn đồng ý và vẫn coi đó là thành công.
Lẽ ra phải nhìn nhận đúng là hàng năm có cải thiện về tốc độ tăng trưởng nhưng các yếu tố cân đối vĩ mô khác vẫn có xu hướng xấu đi, phải mạnh dạn tổng kết quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm là không đạt yêu cầu đặt ra.
Trách nhiệm của Quốc hội là không tổ chức giám sát một cách quyết liệt mà vẫn giám sát một cách dàn trải.
Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi. Tại sao vẫn hành lang pháp lý đó, trong năm 2013 chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tái cơ cấu nền kinh tế thì riêng Bộ Giao thông Vận tải đã chiếm 90% số doanh nghiệp được cổ phần hóa của cả nước.
Điều đó nói lên rằng, cũng môi trường pháp lý như thế nếu con người quyết tâm thì công việc chạy, còn con người chần chừ thì công việc trì trệ.
Như vậy yếu tố ban đầu không phải thể chế, không phải văn bản pháp quy không làm được, mà có muốn làm hay không mà thôi.
VnEconomy