Không dùng biện pháp hành chính để tăng lương
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH về việc điều chỉnh tiền lương theo cơ chế thị trường và đảm bảo mức sống cho người lao động.
- 23-10-2014Tăng lương - mục tiêu chi cần ưu tiên hàng đầu
- 08-10-2014Năng suất lao động thấp nhìn từ ngành điện: Bắc thang đọc côngtơ - khó chấp nhận!
- 03-10-2014Thủ tướng: Không thể để năng suất lao động quá thấp so với khu vực
- 03-10-2014Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng: Buồn vì năng suất lao động thấp
Thưa ông, theo phản ánh của người lao động, thì hiện nhiều doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu vùng để trả cho người lao động và chưa thực hiện thương lượng để có mức lương trả theo năng suất của người lao động, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Trong cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta phân biệt có 2 loại thương lượng: Thương lượng cấp quốc gia là việc đặt mức lương tối thiểu, hay còn là mức lương sàn, nhằm đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động. Loại thứ hai là mức lương thương lượng của doanh nghiệp, được căn cứ vào mức sàn để có mức lương cao hơn phù hợp với công việc, năng suất của người lao động.
Tại Việt Nam, việc thương lượng các mức lương của doanh nghiệp còn thiếu. Đại diện của người lao động, mà cụ thể là công đoàn, có vai trò lớn trong thương lượng mức lương. Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về thị trường, các mức lương, làm căn cứ hỗ trợ cho người đại diện lao động thương lượng với người sử dụng lao động.
Những quy định của luật pháp đã cho phép đẩy mạnh thương lượng mức lương tại doanh nghiệp trên mức lương tối thiểu nhưng chưa thực hiện được do còn nhiều yếu kém, mà trước tiên là sự nhận thức của người lao động, tổ chức đại diện của người lao động. Nếu có sự liên kết để có tiếng nói chung của người lao động, thì chắc chắn người sử dụng lao động sẽ có nhân nhượng điều chỉnh mức lương cho người lao động một cách phù hợp, đáp ứng một phần nguyện vọng của người lao động. Chúng tôi đang hướng đào tạo kỹ năng thương lượng cho cán bộ công đoàn.
Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để trả lương cho lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, việc này cần xem xét tới từng lĩnh vực và khả năng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và làm trong lĩnh vực giá trị gia tăng thấp, nên trả lương cho lao động thấp.
Vậy trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Để giải quyết vấn đề này cần có vai trò của 3 bên: Công đoàn, đại diện giới chủ và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐTBXH. Nếu chỉ riêng Bộ LĐTBXH sẽ không làm được việc này.
Thực tế, qua thanh tra có phát hiện việc sai phạm trong vấn đề trả lương thấp cho người lao động và đã tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, mức phạt hiện còn thấp và chưa đủ tính răn đe. Thời gian tới cần nghiên cứu nâng mức xử phạt.
Bên cạnh đó, cần tăng cường huấn luyện kỹ năng thương lượng cho tổ chức công đoàn. Về phía quản lý nhà nước, trong quá trình thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động thì phải công khai những doanh nghiệp ép lương người lao động. Đồng thời thông qua ngành dọc như VCCI tăng cường giáo dục người sử dụng lao động có ý thức hơn trong chấp hành pháp luật.
Trong 2 lần tăng lương tối thiểu gần đây, các chuyên gia cảnh báo năng suất lao động thấp khiến việc tăng lương khó đáp ứng, giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp?
Vấn đề năng suất lao động là vấn đề nóng mà Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp. Tăng lương cùng với tăng năng suất lao động là con đường tốt nhất. Chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính để tăng lương, bởi sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu tăng quá mức, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, đóng cửa.
Hội đồng tiền lương quốc gia không chủ trương tăng đột ngột mà tăng theo lộ trình, đáp ứng nhu cầu của người lao động và chú ý sức khỏe doanh nghiệp và hài hòa lợi ích các bên.
Việc tăng lương tối thiểu là nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được việc đó. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý nhà nước, tạo động lực tăng năng suất và đáp ứng hội nhập.
Để làm được việc này, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do lực lượng lao động đông, trong khi chất lượng lao động thấp, mới chỉ có 48% lực lượng lao động qua đào tạo, các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ nên chủ yếu làm gia công, giá trị tạo ra không cao.
Do đó, trong thời gian tới, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, sẽ là quá trình tái cơ cấu nguồn nhân lực, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hội đồng tiền lương tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, gắn với chính sách việc làm, tăng cường thương lượng tiền lương.
Tiền lương tối thiểu vẫn tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đáp ứng hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Xuân Minh