MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát tài sản qua bản... tự khai!

05-03-2014 - 10:50 AM | Xã hội

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Cục IV) - Thanh tra Chính phủ, khẳng định như vậy khi trả lời chúng tôi ngày 4-3

Thưa ông, dự thảo đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét phê duyệt chưa?

- Ông Phạm Trọng Đạt: Mới đây, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 33/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Còn đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn thì đang chờ Chính phủ phê chuẩn. Sau này, việc kê khai tài sản sẽ chỉ là một bước, một khâu.

Hiện nay, việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chưa kiểm soát được quà biếu, thu nhập tăng thêm… Việc kê khai tài sản cũng chỉ kiểm soát được thông qua bản tự kê khai mà thôi! Trong khi kiểm soát thu nhập thì rất rộng, nhiều vấn đề; việc trả lương qua tài khoản chỉ là một nội dung thôi. Đi kèm với đó sẽ có các chế tài khác để xử lý.

* Việc thực hiện kê khai tài sản của cán bộ công chức, viên chức đã được Thanh tra Chính phủ thực hiện từ năm nào?

- Từ khi có Luật Phòng chống tham nhũng. Từ năm 2007-2008, chúng tôi đã thực hiện và đến nay vẫn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện sau khi có Chỉ thị 33/2014.

* Từ năm 2008 đến nay, Thanh tra Chính phủ có nhận được đơn thư, phản ánh về bản kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo có dấu hiệu bất thường không?

- Hằng năm cũng có nhưng không nhiều. Những tài sản tăng thêm cũng được yêu cầu xác minh và thẩm định đầy đủ. Nguyên tắc kê khai tài sản là tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Còn bản kê khai có dấu hiệu không đúng thì cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền có thể ra quyết định yêu cầu xác minh, đánh giá tính trung thực. Việc kê khai tài sản chậm hay không trung thực đều có chế tài từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức…

* Vậy đã có cán bộ của Thanh tra Chính phủ bị xử lý như thế chưa?

- Chưa có. Nội bộ Thanh tra Chính phủ chưa có phát hiện, xử lý đối với vấn đề này. Chỉ phát hiện và xử lý ở các lĩnh vực, ngành khác.

* Có ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ phải gương mẫu, đi đầu trong việc kê khai và giải trình nguồn gốc khi có dư luận?

- Ở Thanh tra Chính phủ, đối tượng kê khai, công khai tài sản thì cũng phải thực hiện như bất kỳ cán bộ, công chức ở các ngành khác, không có việc tách riêng quy định trong thực hiện.

* Sau khi Báo Người Cao Tuổi phản ánh bản kê khai tài sản có giá trị rất lớn của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đã khiến dư luận xì xào. Xin ông cho biết tại thời điểm ông Khánh kê khai tài sản, có đơn thư, yêu cầu xác minh nào về trường hợp này hay không?

- Người ta có kê khai, công khai theo pháp luật. Người ta tự kê khai và không có cơ sở, dấu hiệu nào để người thẩm quyền phải xác minh cả.

* Với tài sản rất lớn gồm 2 ngôi nhà và nhiều cổ phiếu tại các ngân hàng, cũng đã đủ gây ra dư luận. Tại sao thời điểm đó, cơ quan quản lý lại không thấy có vấn đề cần xác minh tính trung thực?

- Kê khai theo nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn dấu hiệu thế nào thì đều có tiêu chí cụ thể cả. Tiêu chí này thuộc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và ra quyết định chứ không phải ai cũng ra quyết định xác minh được đâu. Các quy định cụ thể đều có cả. Đồng chí Khánh là lãnh đạo cũng phải chấp hành các quy định như các đối tượng khác. Nếu phát hiện vi phạm tiêu chí thì phải thanh tra, kiểm tra và việc đó thuộc thẩm quyền của người có chức vụ, quyền hạn. Không theo dõi việc kê khai này nhưng theo tôi được biết thì tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì phải kê khai theo đúng quy trình của cơ quan.

* Cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản của ông Ngô Văn Khánh hay ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - gần đây cũng có điều tiếng về sở hữu nhiều tài sản?

- Anh Khánh thuộc Ban Bí thư quản lý. Việc kê khai và công khai tài sản trước hết ở Thanh tra Chính phủ; còn gửi bản kê khai đó cho những ai thì đều theo quy định cả. Cơ quan quản lý cán bộ như Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét vấn đề và nếu thấy cần thiết thì yêu cầu. Về quản lý nhà nước, nếu Tổng Thanh tra Chính phủ thấy có vấn đề, có dấu hiệu vi phạm những tiêu chí thì có thể đề xuất báo cáo. Còn bình thường, vẫn kê khai đầy đủ, công khai; không có vấn đề gì thì cứ áp dụng theo quy định của pháp luật.

Theo Thế Kha

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên