Kiểm toán “bao sân” quá rộng!
Cần công khai, minh bạch kết quả kiểm toán đối với một số đơn vị, dự án lớn mà dư luận quan tâm; đặc biệt là hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ODA
Ngày 6-10, tại Nhà Quốc hội (QH) mới, Ủy ban Thường vụ QH đã khai mạc phiên họp thứ 32. Đây là phiên họp cuối cùng trước khi diễn ra kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII khai mạc vào ngày 20-10.
Danh sách kiểm toán dàn trải
Ủy ban Thường vụ QH đã nghe và cho ý kiến vào dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo đó, đến ngày 30-9, KTNN đã triển khai 143/186 cuộc kiểm toán (đạt 76,9% kế hoạch năm). Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 63 cuộc kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 4.556,6 tỉ đồng; trong đó tăng thu 1.311,6 tỉ đồng; giảm chi 196,6 tỉ đồng; xử lý khác 2.448,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, hiện còn nhiều hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu - chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn.
Theo kế hoạch, năm 2015, trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, KTNN dự kiến kiểm toán tại 54 tỉnh - thành, tăng 19 đơn vị so với kế hoạch năm 2014; kiểm toán tại 19 bộ, cơ quan trung ương. Ở lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, dự kiến kiểm toán tại 35 đầu mối, trong đó có 3 tập đoàn; 10 đầu mối là ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm…
Nhiều ý kiến cho rằng danh sách đơn vị kiểm toán trong năm 2015 quá rộng, cần cân nhắc để bảo đảm chất lượng kiểm toán. Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, phân tích: Trong số 54 tỉnh, có 26 tỉnh đã kiểm toán trong năm 2014 vừa hoàn thành kết luận kiểm toán và đang khắc phục. “Kế hoạch năm 2014 cũng khó hoàn thành khi chỉ còn 3 tháng nhưng hiện nợ 61 cuộc kiểm toán. Nên loại 26 tỉnh đã kiểm toán để tập trung cho các tỉnh chưa được kiểm toán và nâng chất lượng kiểm toán hơn nữa” - ông Phúc nêu.
Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý không cần thiết phủ rộng mà tập trung một số tỉnh - thành, bộ - ngành trọng điểm như địa phương có nguồn thu cao hoặc đầu tư còn dàn trải.
Đề xuất xử lý trách nhiệm
Thẩm tra báo cáo của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, lưu ý đánh giá việc sử dụng nguồn vốn ODA. “Đối với các đơn vị kinh doanh thua lỗ, hiệu quả giảm mạnh trong những năm gần đây cần được tập trung kiểm tra. Đặc biệt là phải công khai, minh bạch công tác kiểm toán đối với một số đơn vị, dự án lớn mà dư luận quan tâm” - ông Hiểnđề nghị.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Mỗi cuộc kiểm toán cần tập trung hơn, không kéo dài, chú trọng vào rút kinh nghiệm sau kiểm toán theo hướng “trọng chất, không chạy theo số lượng”. Đặc biệt, cần hướng đề xuất truy và xử lý được trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và tiến tới sửa đổi thể chế”. Chủ tịch QH cũng yêu cầu KTNN báo cáo kết quả kiểm toán công trình trụ sở Nhà QH mới vào kỳ họp thứ 9 diễn ra vào giữa năm 2015.
Đánh giá cao nỗ lực của KTNN trong phát hiện sai sót, tham nhũng, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nói thêm: “KTNN phát hiện sai sót trong thu chi ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự phải kiến nghị xử lý ngay”.
Cũng theo ông Hiện, ở khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện cơ quan chức năng đang rất bối rối. Doanh số hàng ngàn, hàng chục tỉ đồng, chi nhánh không ngừng mở rộng tại Việt Nam nhưng lại “báo lỗ”. Kiểm toán cần làm rõ có lỗ thật không hay là trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.