MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại xin lùi thời hạn trình Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau

16-03-2015 - 12:01 PM | Xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ thêm về dự án luật này.

Sáng nay (16-3), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).

Đồng thời Chính phủ cũng đề nghị lùi dự án Luật về hội đến Quốc hội khóa sau. Chỉ có dự án Luật khí tượng thủy văn được đề nghị trình sớm hơn dự kiến.

Cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn

Về lý do xin lùi dự án Luật biểu tình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ như khái niệm biểu tình là gì, thế nào là tụ tập đông người, tự do biểu tình.

Biểu tình có bao gồm các cuộc mittinh do tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước tổ chức hay không?

Tương tự, dự án Luật về hội được Chính phủ nhận định rằng đây là dự án luật có nội dung phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.

“Nợ dân quá nhiều rồi”

Tuy vậy, đề nghị của Chính phủ không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Pháp luật.

Trình bày quan điểm của ủy ban được thống nhất tại phiên họp toàn thể mới đây, Chủ nhiệm Phan Trung Lý khẳng định Luật biểu tình, Luật về hội “là các dự án luật cần sớm được ban hành”.

“Hai dự án luật này Quốc hội đã đề cập nhiều lần, là các dự án luật ưu tiên khi bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Nhà nước cũng nợ dân quá nhiều và quá lâu trong vấn đề này rồi” - ông Phan Trung Lý nói.

Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên cho lùi dự án Luật biểu tình (từ kỳ họp thứ 9, tháng 5-2015) đến kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016), còn dự án Luật về hội phải trình vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015), không đồng tình với đề nghị chuyển sang Quốc hội khóa sau.

Cùng quan điểm với Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng Luật biểu tình là nhu cầu cần thiết để quản lý xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền nước ta.

Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần bức xúc đề nghị đưa vào chương trình. “Các luật này rất khó nhưng rất cần thiết, cố gắng đừng lùi nữa, nói như đồng chí Phan Trung Lý là chúng ta nợ dân quá nhiều rồi” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói thêm.

Ngoài ra, Chính phủ còn có một đề nghị bất ngờ, khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bức xúc - đó là đề nghị sửa đổi Luật sỹ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân.

Bất ngờ, bởi cả hai luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), chưa có hiệu lực thi hành.

“Tôi tưởng các đồng chí nhầm, nhưng hóa ra không phải. Quốc hội vừa mới thông qua và nay chỉ đề nghị sửa có một điều không cần thiết” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa bày tỏ.

Theo Lê Kiên

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên